Không loại trừ khả năng Bộ tứ trở thành Bộ ngũ

Sự tham gia của Hàn Quốc sẽ khiến Bộ tứ (Quad) đổi tên thành Bộ ngũ?

Tổng thống Yoon Suk Yeol dùng bữa với các quan chức quân đội Hàn Quốc và Mỹ trong chuyến thăm doanh trại Humphreys ở Pyeongtaek, ngày 7/4. (Nguồn: AP)

Tổng thống Yoon Suk Yeol dùng bữa với các quan chức quân đội Hàn Quốc và Mỹ trong chuyến thăm doanh trại Humphreys ở Pyeongtaek, ngày 7/4. (Nguồn: AP)

Khi nhóm Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - đang âm thầm đào tạo và tập trận trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chính phủ mới ở Hàn Quốc sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước, người ta đã nghĩ đến việc đổi tên nhóm Bộ tứ thành Bộ ngũ với sự tham gia của Seoul.

Trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 7, còn quân đội Trung Quốc ngày càng quyết đoán trên khắp châu Á, chính phủ mới ở Hàn Quốc gần đây có vẻ không chỉ củng cố quân đội mà còn muốn khám phá mức độ hợp tác cao hơn trong vấn đề an ninh với các nước.

Đô đốc James Stavridis - Tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), cho rằng trong 2 tháng cầm quyền vừa qua, chính quyền của ông Yoon Suk Yeol, gạt sang sự thù địch sâu sắc và phức tạp, để ngỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Seoul thể hiện thiện chí nhiều hơn khi sẵn sàng hồi sinh hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo chung với Tokyo, hay khởi động lại các cuộc tập trận quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Một động thái đáng ghi nhận nữa trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong 2 tháng qua là việc nước này thành lập phái bộ ngoại giao tại NATO.

Chính phủ bảo thủ và quyết đoán về mặt quân sự của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và xây dựng một quân đội mạnh hơn về tổng thể. Họ có thể sẽ tìm kiếm các tên lửa đạn đạo tầm xa hơn và phức tạp hơn; tăng số lượng và khả năng phòng thủ của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm mà Triều Tiên không chỉ chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mà đã tiến hành thử tên lửa với số lần kỷ lục - hơn 30 lần tính từ đầu năm đến nay, phá kỷ lục trước đó là thử 25 tên lửa năm 2019.

Để thực hiện chiến lược phủ đầu chống lại các hành động khiêu khích của Triều Tiên, Hàn Quốc cũng sẽ cần các hệ tên lửa tầm xa, hành trình cao với sức tấn công đáng kể. Không gian mạng, cả tấn công và phòng thủ, cũng sẽ là một phần trong chiến lược của Seoul nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

Người hàng xóm Nhật Bản cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng, và Chiến lược An ninh Quốc gia mới của họ, sẽ được ban hành vào cuối năm nay, có thể sẽ cam kết tài trợ nhiều hơn cho cả khả năng tấn công tấn công và phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Đối với Hàn Quốc, sức mạnh liên minh với Mỹ có thể được tăng cường bằng cách liên kết với các cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Theo Đô đốc James Stavridis, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) lần thứ 28, sự kiện huấn luyện hải quân lớn nhất thế giới, đang diễn ra có sự tham gia của Hải quân Hàn Quốc và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản, cùng với hơn 20 quốc gia khác, sẽ là một cuộc diễn tập tốt cho sự hợp tác như vậy.

Thật vậy, rất có thể một ngày nào đó, Bộ tứ kết nạp Hàn Quốc và đổi tên thành Bộ ngũ, bước đi mà Washington chờ đợi. Khi đó, căng thẳng Seoul-Tokyo cũng phần nào được tháo gỡ.

THẢO ĐÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-loai-tru-kha-nang-bo-tu-tro-thanh-bo-ngu-189684.html