Không lý do gì tiếp tục học trực tuyến

Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc xem xét mở cửa trường học trên toàn quốc, hôm qua (19/1), các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, y tế đã cùng bàn việc cho học sinh lớp 7-12 đi học 100% ngay sau Tết Nguyên đán.

Khẩn trương cho học sinh đến trường

Theo Bộ GD&ĐT, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có hơn 130 nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Đến nay, có khoảng 4.800 giáo viên, học sinh đang điều trị. Tỉ lệ học sinh từ 12 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt 90%; mũi 2 đạt 72%; số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc-xin mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28%.

Tuy nhiên, đến 15/1, học sinh tiểu học đến trường chỉ chiếm 57%; khối THCS - THPT đi học đạt 69%. Đánh giá tỉ lệ học sinh mắc COVID-19 ở 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (gồm TPHCM và Bắc Giang) cho thấy, tỉ lệ mắc rất thấp (0,002 tại Bắc Giang và 0,009 tại TPHCM).

Tiêm chủng đạt tỉ lệ caolà điều kiện để học sinhđi học trở lại sau Tết

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, trong đó, trẻ mầm non, học sinh tiểu học chưa được tiêm phải có kế hoạch, kịch bản cụ thể hơn về lộ trình. “Tuy nhiên, cần làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận của phụ huynh. Đây là khâu rất quan trọng”, ông Sơn nói.

Ông Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục khi mở cửa trường học phải chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, giáo viên. Chú ý chuẩn bị cho ngày đầu học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến thuận lợi, thầy trò hứng thú tương tác. Đón học sinh đi học, cơ sở tránh chuyện cực đoan chần chừ, e dè hoặc chủ quan, phó mặc cho nhà trường.

Đối với các nhà trường, khi được dạy trực tiếp phải khảo sát, phân nhóm bị hổng kiến thức để củng cố, bù đắp. Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, chuẩn bị tiền đề cho các năm tiếp theo. Các nhà trường vẫn bám nội dung cốt lõi Bộ GD&ĐT đã ban hành để tổ chức dạy học. Nếu nơi nào kết thúc sớm nội dung cốt lõi này thì quay trở lại củng cố kỹ năng, nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường học chỉ đóng cửa tối đa 1 tuần

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đồng tình với việc nhanh chóng mở cửa trường học, nếu không học sinh sẽ mắc các bệnh khác khó chữa hơn. Theo ông Mai Sơn, Bắc Giang từng là tâm dịch của cả nước, hiện vẫn có 382 học sinh, giáo viên F0 nhưng vẫn mở cửa trường học bình thường. Địa phương căn cứ thực tế đa số học sinh mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không triệu chứng. Trường học phát hiện F0 có quy trình xử lý không quá 1 tuần phải mở cửa trở lại nếu không lãnh đạo ở đó bị xem xét kỷ luật. Kinh nghiệm để tổ chức dạy học an toàn là thực hiện nghiêm giải pháp 5K, đồng thời xét nghiệm tầm soát, ngẫu nhiên cho giáo viên, học sinh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ khi mở cửa trường học, trung bình mỗi ngày có khoảng 6-8 học sinh mắc COVID-19 nhưng đã được xử lý theo kịch bản nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai. Không có tình trạng lây nhiễm chéo trong trường học. Học sinh được kiểm tra cuối kỳ trực tiếp.

PGS.TS Trần Minh Ðiển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo tiêm vắc xin giúp trẻ bảo vệ bản thân tránh mắc COVID-19 hoặc không bị bệnh nặng. Do đó, để đưa trẻ đến trường an toàn cần tiếp tục bao phủ vắc xin. “Khi đi học, trẻ vẫn thực hiện biện pháp 5K để phòng ngừa dịch bệnh. Ðối với trường hợp trẻ bị hen suyễn, béo phì, tiểu đường và các bệnh nền khác vẫn có thể đến trường, tuy nhiên còn phụ thuộc tình trạng hiện tại của trẻ, tình hình COVID-19 trong cộng đồng nơi sinh sống”, ông nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, cho biết Hà Nội dự định cho 100% học sinh từ lớp 7-12 đến trường ngay đầu tháng 2. Để đón học sinh an toàn, ngành đang xây dựng kịch bản cẩn trọng, chi tiết. “Để đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đi học cần sớm được tiêm vắc xin. Cái khó hiện nay của ngành là thiếu nhân viên y tế trường học. Địa phương hiện trưng dụng nhân viên y tế đã về hưu”, ông Cương nói.

Các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế cũng ủng hộ phương án nhanh chóng đưa học sinh đến trường dựa trên căn cứ tỉ lệ tiêm cao; điều kiện, kinh nghiệm phòng dịch đến nay đã có; ý thức người dân tốt… Ngoài ra, thống kê cho thấy, người mắc COVID-19 tử vong chủ yếu tập trung nhóm người trên 50 tuổi. Nhóm người 0-17 tuổi tỉ lệ tử vong rất thấp (0,047%).

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nói rằng, đây là thời điểm cần thiết, hợp lý cho trẻ đi học. “Với tỉ lệ tiêm vắc xin cao như hiện nay, các hoạt động kinh tế, xã hội đã mở cửa, học sinh đi chơi, ăn uống ở nhiều nơi nên không có lý do gì để tiếp tục học trực tuyến”, Thứ trưởng nói.

Ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu ngành Y tế địa phương phối hợp với các Sở GD&ĐT xây dựng kịch bản phòng chống dịch, trong đó lưu ý hướng dẫn từ gia đình, đường đi, đến trường, cả sinh hoạt ngoài cộng đồng, xã hội. Các hướng dẫn phòng chống dịch trong trường học nên đơn giản hóa nhằm dễ thực hiện. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn trong quá trình học sinh trở lại trường học an toàn.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-ly-do-gi-tiep-tuc-hoc-truc-tuyen-post1410961.tpo