Không nên dự trữ quá nhiều đồ trong tủ lạnh

Tâm lý 'no 3 ngày Tết' khiến nhiều bà nội trợ mua thực phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, do bảo quản thức ăn không đúng cách khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Việc lưu trữ thức ăn lâu ngày làm thực phẩm bị biến chất hoặc trong thực phẩm có chứa chất độc... dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng.

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế chia sẻ: Để bảo đảm ATTP ngày Tết, trước tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhiều trường hợp hạn sử dụng thực phẩm vẫn còn nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư hỏng. Vào dịp Tết Nguyên đán, ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ... dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở phía Nam vào dịp Tết, nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá... nếu bảo quản không tốt dễ bị ôi thiu, mốc, hỏng...

Nông sản được bày bán tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Nông sản được bày bán tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Tủ lạnh là nơi dự trữ thực phẩm hiệu quả nhất, vì vậy, nhiều người có thói quen cho tất cả mọi thứ vào trong tủ. Cục trưởng Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Ngoài ra, việc để thực phẩm sống-chín lẫn lộn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi dẫn đến mất chất dinh dưỡng, mau hỏng. Thị trường hiện rất đa dạng, thậm chí mồng Một, mồng Hai Tết có rất nhiều cơ sở kinh doanh bán thực phẩm tươi sống nên không cần thiết tích trữ thực phẩm. “Chúng ta xác định Tết Nguyên đán là thời điểm chơi Tết, nghỉ xuân, không còn ăn Tết như thời bao cấp, vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, lưu ý hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất”, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong nói.

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong chia sẻ thêm, bất cứ loại thực phẩm nào cũng có hạn sử dụng và điều kiện lưu trữ riêng. Với rau xanh chỉ nên để 3-4 ngày. Vì để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng. Thức ăn tươi sống như thịt, cá... cần bảo quản ở ngăn đông lạnh, nhiệt độ thấp từ -14 độ C. Nhiều người có suy nghĩ sau khi thức ăn được rã đông, nếu ăn không hết lại đưa vào tủ đóng đá tiếp. Tuy nhiên, cách làm này vô tình làm cho quá trình vi khuẩn tăng lên gấp nhiều lần. Bất kỳ tế bào nào thoát khỏi quá trình bị phá vỡ khi thực phẩm được đông lạnh lần đầu đều đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ lần nữa. Vì thế, chúng ta không đông lạnh lại thực phẩm sau khi đã rã đông. Đối với thức ăn để trong tủ đông, phần lớn không nên để quá 3 tháng. Tuy nhiên, thời hạn của thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và tủ đông còn phụ thuộc vào mỗi loại thức ăn và điều kiện bảo quản. Do đó, việc hạn chế tối đa thời gian dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đông là điều nên làm.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-nen-du-tru-qua-nhieu-do-trong-tu-lanh-717131