Không nên khuyên người đã biết

Tôi tin đa số người Việt có tri thức bản ngữ ở mức độ bình thường cũng đã biết và hiểu ngữ nghĩa câu thành ngữ 'dạy đĩ vén váy'.

Ảnh internet

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) không giải thích mục từ "dạy đĩ vén váy" mà chuyển chú (ghi chú để chỉ dẫn người đọc xem ở chỗ khác) sang mục từ "dạy khỉ leo cây" với lời giải thích "ví việc làm thừa, đi bày cho người khác làm một việc mà họ đã quá quen thuộc, đã quá thành thạo".

Cứ theo ý đó mà suy thì việc "đĩ" (người phụ nữ làm nghề mại dâm) là người rất thạo các thao tác, các công đoạn trong việc phục vụ cánh đàn ông mua dâm. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết "Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề" chính là nói về các "ngón nghề" này đó. Bảy chữ, đó là: 1. khấp (khóc với khách), 2. tiễn (cắt tóc đưa cho khách làm tin), 3. thích (thích tên khách vào cánh tay để làm tin), 4. thiêu (đốt hương để thề nguyền), 5. giả (hẹn hò lấy nhau), 6. tẩu (rủ khách đi trốn), 7. tử (giả chết cho khách thương xót, luyến tiếc). Tám nghề là 8 mánh khóe rất dâm đãng mà gái thanh lâu dùng để giữ khách làng chơi. Theo Đào Duy Anh (tác giả Từ điển Truyện Kiều) thì nó thô bỉ đến mức ông không thể đưa vào sách.

Với một gái đĩ làm tiền thạo nghề, dạn dĩ thì việc "vén váy" (kéo váy (đồ mặc của phụ nữ, phần thân dưới không chia làm hai ống như quần) lên để lộ thân thể) quả là chuyện "nhỏ như con thỏ". Và với gái làm tiền, khi được khách, họ sẵn sàng cởi bỏ toàn bộ xiêm y trong nháy mắt chứ “vén váy” lên thì nghĩa lí gì. Vậy ai đó định "lên lớp" cho các cô nàng động tác đơn giản đó thì không những vô ích mà còn hết sức nực cười.

Trong dân gian còn có một câu thành ngữ "đồng dạng" đầy đủ hơn: “Dạy đĩ vén xống, dạy ông cống vào tràng, dạy thầy lang bốc thuốc” (xống: âm Việt đọc theo phương ngữ, liên quan tới từ "song" (tiếng Thà Vựng) và "srŏng" (tiếng Khmer), đều có nghĩa là "váy").

Sở dĩ có biến thể này ("vén xống" chứ không phải “vén váy”) là để hiệp vần trong 3 vế dẫn (“xống” hiệp vần với “cống”, “tràng” hiệp vần với “lang”). Mỗi vế mô tả một sự tình và mỗi sự tình đều diễn tả một ngữ nghĩa đồng hướng, như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương (Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010): “(Đừng phí thì giờ để) dạy cho đĩ cách vén váy (khi tiếp khách) cũng như cho ông cống cách đi vào trường thi và cho thầy lang cách bốc thuốc (vì họ còn thông thạo mấy thứ việc này hơn cả mình). Hay dùng để nhắc mọi người là chớ có phí thì giờ vào việc chỉ vẽ cho người khác những thứ mà họ còn thông thạo hơn cả mình”.

Xét cho cùng, thành ngữ này chính là “bài học sư phạm” cho người đời. Rằng, nhiều khi, ta cứ tưởng là làm phúc, làm điều tốt trong việc hướng dẫn, dạy dỗ ai đó thực hiện một hành động, một công việc, nhưng vì không đánh giá đúng đối tượng nên tri thức mà ta định truyền đạt kia là quá quen thuộc đối với họ. Ta cứ tưởng ta đang làm “thầy” người khác, ngờ đâu chính người ta định “dạy” đó lại là thầy ta.

Dạy “em” cái động tác này

Khác gì “dạy khỉ leo cây”, quá thừa!

Phạm Văn Tình

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-nen-khuyen-nguoi-da-biet-a8127.html