Không nên trì hoãn tăng lương tối thiểu

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng không thể không tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022 khi đời sống của công nhân đang quá khó khăn

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN), 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu (LTT) vùng đến ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG).

Người lao động khó khăn trăm bề

Trong công văn này, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của DN, khiến DN thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Tình trạng người lao động (NLĐ) là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, DN vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của DN.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của NLĐ và nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh đó, các DN không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước.

Lương tối thiểu không tăng suốt 2 năm qua khiến đời sống người lao động khó khăn. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Lương tối thiểu không tăng suốt 2 năm qua khiến đời sống người lao động khó khăn. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Các hiệp hội này cho rằng hiện nay các DN đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa... đều đã được chốt và ký từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa được. Tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều DN sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không bảo đảm, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của NLĐ và sự tồn vong của DN. Nhiều DN có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục ngàn NLĐ không có việc làm.

Là Phó Chủ tịch HĐTLQG, đồng thời là Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - ông Ngọ Duy Hiểu - cho rằng ông và phần đông cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ đã biết được thông tin 8 hiệp hội có kiến nghị này.

"Nhiều cán bộ Công đoàn và NLĐ bày tỏ sự bức xúc với tôi. Họ cho rằng NLĐ đã chia sẻ với DN rất nhiều, nhất là trong thời gian dịch bệnh, làm việc "3 tại chỗ", đồng ý tăng giờ làm thêm. Nay NLĐ vẫn đang khó khăn, đối mặt với giá cả leo thang, một bộ phận khó khăn gay gắt. Thông tin các hiệp hội kiến nghị chưa tăng lương từ ngày 1-7 làm cho một bộ phận NLĐ buồn, tâm tư. Họ cho rằng tăng lương không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho NLĐ mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ làm việc với năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn" - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, vấn đề kiến nghị của các hiệp hội không phải là vấn đề mới. Nhiều năm trước cũng vậy. "Nhưng tôi tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì NLĐ, vì sự phát triển bền vững của DN" - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore, cho rằng đáng lẽ việc tăng LTT vùng đã phải thực hiện từ ngày 1-1-2021 nhưng do dịch Covid-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với DN. Mới đây, khi HĐTLQG chốt phương án tăng 6% LTT cho NLĐ từ tháng 7-2022, NLĐ rất phấn khởi, bởi cuộc sống của họ hiện nay qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng. Theo bà Chi, sự chịu đựng của NLĐ trong 2 năm qua đã vượt ngưỡng cho phép, do vậy đề xuất hoãn tăng LTT là vô lý.

Hội đồng tiền lương đã cân nhắc thấu đáo

Có gần 10 năm làm công nhân (CN) may nhưng thu nhập mỗi tháng của chị Hồ Thị Hồng Thúy (quê Trà Vinh) chỉ tròm trèm 7 triệu đồng. "Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty thu hẹp sản xuất, đơn hàng không nhiều nên tăng ca thất thường, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. CN độc thân khó một thì CN có gia đình khó mười, thiếu trước hụt sau là chuyện đương nhiên" - chị Thúy cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), việc lùi thời điểm tăng LTT cho NLĐ sẽ khiến nguy cơ tranh chấp lao động tiềm ẩn. Trong bối cảnh giá cả leo thang, nếu không tăng lương thì NLĐ rất khó sống.

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận sau 2 năm không điều chỉnh LTT vùng thì mức tăng dự kiến lên 6% (tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay) theo thống nhất của HĐTLQG vừa qua vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả NLĐ lẫn DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh thì kết quả này thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia giữa các bên.

Với kiến nghị giãn thời điểm tăng lương đến ngày 1-1-2023 của một số hiệp hội ngành nghề với lý do nếu tăng lương vào đầu tháng 7-2022, DN khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần, theo luật sư Tín, là chưa thuyết phục. Bởi nghị định quy định LTT vùng các năm trước thường được ban hành vào khoảng tháng 11, 12 và có hiệu lực thực hiện vào ngày 1-1 năm kế tiếp, tức thời gian chuẩn bị chỉ có 1-2 tháng nhưng các DN vẫn thực hiện được.

Cũng vì quy định điều chỉnh LTT vùng thường được ban hành cuối mỗi năm nên đầu năm các DN đã phải tính toán chi phí, quỹ lương để chuẩn bị cho việc này. Chưa kể gần 2 năm không điều chỉnh LTT, DN đã có đủ thời gian, tính toán để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lương bởi qua đợt sóng lao động di cư về quê, hơn ai hết DN cần hiểu muốn NLĐ gắn bó phải cải thiện thu nhập.

Đây cũng chính là lý do không ít DN đã chủ động điều chỉnh lương cho NLĐ mà không đợi quy định từ Chính phủ. Hơn nữa, quy định về LTT vùng chỉ quy định mức sàn, nên chỉ tác động đến một số DN đang trả lương bằng mức tối thiểu vùng, còn nếu DN đã trả mức cao hơn thì sẽ không gặp khó khăn khi áp dụng mức LTT mới vào ngày 1-7-2022.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - một chuyên gia trong lĩnh vực lao động, tiền lương - việc tăng lương cho NLĐ từ ngày 1-7 là vấn đề cấp bách, cần thiết khi cuộc sống của họ đang hết sức khó khăn.

"HĐTLQG cũng đã phân tích, đánh giá, cân nhắc thấu đáo trước khi bỏ phiếu và kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sự chia sẻ của chủ sử dụng lao động đối với NLĐ và coi NLĐ như là trung tâm của quá trình sản xuất - kinh doanh và phát triển của DN. Điều này thỏa mãn được yêu cầu bù đắp một phần nào cho NLĐ trong bối cảnh họ đang hết sức khó khăn. Điều này sẽ khuyến khích, khích lệ NLĐ gắn bó hơn với DN, tạo cơ hội để DN phục hồi và phát triển" - ông Bùi Sỹ Lợi nói và đề nghị Chính phủ nên cho thực hiện việc tăng lương theo đề xuất của HĐTLQG.

Ông ĐẶNG THUẦN PHONG - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:

Nên tăng lương từ 1-7-2022

Kiến nghị là quyền của các hiệp hội, còn giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề rằng dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt và cuộc sống đang trở lại bình thường. Cùng với đó, chúng ta thấy rằng thời gian qua có rất nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ DN cũng như chia sẻ với NLĐ. Đối với NLĐ, cần phải kéo họ trở lại thị trường lao động để bảo đảm ổn định sản xuất trong tình hình mới là hết sức cần thiết, do đó việc tăng lương cho NLĐ từ ngày 1-7-2022 là hết sức cấp bách, cần thiết bởi sự chịu đựng của NLĐ trong suốt 2 năm qua là quá lớn, dù vẫn biết khó khăn đều đến đối với DN và NLĐ thời gian qua nhưng NLĐ bị chịu đựng ảnh hưởng quá nặng nề. Do vậy, tôi ủng hộ Chính phủ tăng lương từ ngày 1-7-2022.

Thu nhập không đủ sống

LĐLĐ TP HCM và Công đoàn ĐHQG TP HCM vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá thực trạng việc làm, đời sống nữ CN ngành may mặc trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy thu nhập bình quân của CN may là 6,8 triệu đồng/người/tháng. CN phụ thuộc nhiều vào việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, tiền tiết kiệm được rất thấp. Có 41,8% nữ CN cho rằng với mức thu nhập hiện nay, bản thân và gia đình họ có mức sống thiếu thốn; 36,3% cho rằng thu nhập đủ sống.

N.Hà

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khong-nen-tri-hoan-tang-luong-toi-thieu-20220418200808048.htm