'Không ngờ bán mai online lại dễ tiếp cận khách hàng dịp Tết hơn'

Những ngày này, các chủ vườn mai ở huyện Bình Chánh, TP.HCM khẩn trương chăm sóc từng chậu mai phục vụ thị trường hoa Tết với hi vọng năm nay sẽ khởi sắc.

Hơn một tuần nữa là Tết nguyên đán, dù đối mặt với không ít khó khăn do thời tiết và kinh tế, nhiều chủ vườn mai vẫn kiên trì chăm sóc từng chậu mai, hi vọng mang đến những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu chơi Tết của người dân.

 Nhân công tất bật nhặt lá, chăm sóc cho mai.

Nhân công tất bật nhặt lá, chăm sóc cho mai.

Bán mai thông qua các Youtuber

Chuyên trồng mai giảo Thủ Đức, ông Trương Nguyễn Hòa (ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cho biết với diện tích 3 ha đất, ông trồng khoảng 12.000 cây mai.

Theo ông Hòa, thời tiết se lạnh năm nay khiến nụ hoa mai không đều. Cạnh đó, thị trường mai Tết cũng chưa khởi sắc. Năm ngoái, ông Hòa bán được khoảng 1.000 cây nhưng năm nay, dự kiến chỉ đạt 700-800 cây.

 Ông Hòa chăm sóc mai để thương lái đến lấy kịp ngày Tết.

Ông Hòa chăm sóc mai để thương lái đến lấy kịp ngày Tết.

"Gần đây, người dân chuộng thuê mai nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi không cho thuê vì việc cho thuê cần phải vận chuyển, tốn nhiều thời gian và công sức. Cạnh đó, tôi còn bán mai thông qua các Youtuber, họ sẽ đến vườn tôi quay.

Tôi không ngờ bán theo hình thức này lại tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn cách truyền thống, mỗi năm có thêm vài trăm cây được bán. Vào dịp Tết, tôi tuyển khoảng 6-7 nhân công để hỗ trợ việc nhặt lá mai và chăm sóc với mức lương gần 1 triệu đồng/ngày” - ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết sắp tới, ông sẽ trồng thêm giống mới vì chỉ trồng một giống mai sẽ gặp khó trong thu hút khách hàng. Đặc biệt, ông nhận thấy giống mai siêu bông Bình Lợi đang là xu hướng. Tuy nhiên, ông Hòa không trồng giống này vì hoa dễ bị rủ, không đẹp như mong muốn.

 Với diện tích đất khoảng 3 ha, ông Hòa trồng khoảng 12.000 cây mai.

Với diện tích đất khoảng 3 ha, ông Hòa trồng khoảng 12.000 cây mai.

Gắn bó với công việc làm mai tại nhà ông Hòa suốt 7 năm, anh Phạm Văn Toàn (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết anh là nhân công chính trong việc trồng mai.

"Vào dịp Tết, ngày nào tôi cũng chăm sóc mai. Đặc biệt, tôi hay xả tàn cho cây. Tôi phải canh từng mắt và da của cây để tạo ra cây mai chất lượng đem đến thị trường mai. Với nghề mai, một phần thu nhập từ đây cũng đủ sống và tôi hi vọng nhiều hơn vào mỗi dịp Tết vì ông Hòa cũng bán qua Youtuber, khách hàng online đến xem trực tiếp cũng rất nhiều” - anh Toàn nói.

 Anh Toàn là nhân công trồng mai chính trong nhà ông Hòa.

Anh Toàn là nhân công trồng mai chính trong nhà ông Hòa.

Sở hữu kênh Youtube khoảng 40.000 người theo dõi, ông Nguyễn Trúc Linh (44 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cho biết ông đã kinh doanh online suốt 6 năm.

“Mỗi năm tôi trồng khoảng 7.000-8.000 cây mai trong vườn. Tôi vừa bán trực tiếp kết hợp bán hàng online để tiêu thụ sản phẩm của mình. Tôi còn làm các video hướng dẫn người dân cách chăm sóc mai, chia sẻ kinh nghiệm trồng mai phù hợp với từng giai đoạn trong năm, từng tháng và từng mùa” - ông Linh cho hay.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều nền tảng mạng xã hội đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các chủ vườn mai. Dù vậy, vườn mai của ông vẫn duy trì được lượng khách hàng ổn định. Ông Linh nhận định rằng tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính khiến người dân giảm bớt việc mua mai để trưng bày.

“Việc bán mai online mang lại nhiều lợi ích, giúp khách hàng có thể dễ dàng xem được cây mai mà không cần tốn thời gian di chuyển đến tận nơi, khách hàng ở các vùng miền khác nhau cũng có thể tiếp cận sản phẩm.

Tôi bán online có lợi thế hơn. Vì giá trị bán ra thường nhỉnh hơn so với bán trực tiếp tại vườn. Mặc dù giá cả online có thể thấp hơn chút ít, nhưng số lượng bán ra lại nhiều hơn, giúp mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn” - ông Linh nhận định.

 Ông Linh quay clip hỗ trợ các chủ vườn mai khác giới thiệu sản phẩm.

Ông Linh quay clip hỗ trợ các chủ vườn mai khác giới thiệu sản phẩm.

Hiện tại, vườn mai của ông Linh đang tất bật chuẩn bị giao mai với đầy đủ nút nụ để phục vụ thị trường Tết. Vườn mai của ông tập trung trồng các loại mai vừa, giá cả phải chăng để người dân ở nhiều phân khúc thu nhập đều có thể tiếp cận, sử dụng giải trí.

 Ông Linh đã chở những cây mai giảo Thủ Đức ra chợ để bán.

Ông Linh đã chở những cây mai giảo Thủ Đức ra chợ để bán.

Khách chuộng thuê hơn mua

Để kịp chuẩn bị đem mai ra thị trường Tết cho thuê và bán, ông Nguyễn Hồng Chương (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đang tất bật chăm sóc cây mai chuẩn bị bán dịp Tết.

Ông Chương đã có kinh nghiệm làm nghề mai khoảng 20 năm. Tuy nhiên, ông Chương cho biết tình hình kinh tế khó khăn nên ông đã dừng nhập mai vào năm 2022.

 Ông Chương cho biết những chậu mai có giá 300 ngàn đồng giảm còn 250 ngàn đồng nhưng vẫn chưa bán được.

Ông Chương cho biết những chậu mai có giá 300 ngàn đồng giảm còn 250 ngàn đồng nhưng vẫn chưa bán được.

“Từ khi dịch đến nay, việc nhập mai ít đi, thị trường mai cũng bị chững lại. Kinh tế khó khăn, các chủ vườn mai bán mai cũng không dễ dàng. Dù vậy, năm nào tôi cũng chăm sóc với hi vọng mỗi năm sẽ khởi sắc hơn.

Tôi chuyên cho thuê mai, giá thuê một cây mai dao động từ vài triệu đồng tùy theo thời điểm và tình trạng hoa và nụ. Cây mai có thể bán được 300 ngàn đồng, nhưng năm nay chỉ còn 250 ngàn đồng nhưng vẫn không có ai mua” - ông Chương cho hay.

Theo ông Chương, hàng năm ông bán từ 500 đến 1.000 cây nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 300 đến 400 cây. Giống mai của ông chủ yếu là mai giảo Thủ Đức.

“Khách giờ chủ yếu là thuê mai, chứ không phải mua. Mai có giá trị cao, khoảng 10 triệu đồng, nhưng nếu thuê, giá có thể giảm xuống chỉ còn 5-7 triệu đồng. Tôi không bỏ mối cho thương lái, phần lớn khách quen của tôi là các nhà hàng hoặc những người thân thiết. Sắp tới, tôi có thể đăng lên mạng xã hội như facebook hoặc zalo của tôi để nhiều người biết tới” - ông Chương cho hay.

Giúp chủ vườn mai kết nối thị trường

Bà Phan Thị Thanh Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết thời tiết hạn hán hoặc mưa lớn không đúng thời điểm, có thể làm khả năng tạo bông của cây không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ mai cũng thay đổi theo từng năm khiến các chủ vườn mai gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm.

"Hội Nông dân cùng với chính quyền địa phương tổ chức các sự kiện như tuyến đường hoa mai và trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ sẽ giúp các chủ vườn mai có cơ hội đưa sản phẩm đến khách hàng.

Ngoài ra, Hội Nông dân còn hỗ trợ chủ vườn mai trong việc cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả và xu hướng để giúp các chủ vườn mai có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý” - bà Công nói.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-ngo-ban-mai-online-lai-de-tiep-can-khach-hang-dip-tet-hon-post830389.html