Không ngừng tìm kiếm thông tin về liệt sĩ

Trong 6 năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã nỗ lực giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, trong đó có những trường hợp hy sinh cách đây hơn 70 năm đã được giải quyết.

Sự vào cuộc của các cấp bộ ngành

Nhân dịp 27/7, tại UBND phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trang Hồng Vinh.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, cháu gái của liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Ảnh: Bộ TTTT

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, cháu gái của liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Ảnh: Bộ TTTT

Đồng chí Trang Hồng Vinh (tức Dinh) sinh năm 1933, nguyên quán xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1949, đồng chí Trang Hồng Vinh thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Đến năm 1950, đồng chí Trang Hồng Vinh nhập ngũ và được đào tạo khóa huấn luyện vô tuyến điện (khóa 6) của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 ở miền Tây Nam bộ, sau tốt nghiệp đồng chí Vinh tình nguyện về miền Đông công tác được biên chế về Phòng Thông tin liên lạc Phân liên khu miền Đông. Tại đây, đồng chí Trang Hồng Vinh được phân công về làm hiệu thính viên Đài vô tuyến điện Hóc Môn, Tỉnh Gia Định Ninh thuộc Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT).

Đầu năm 1953, đồng chí Trang Hồng Vinh được phân công nhiệm vụ tuyệt mật phục vụ lãnh đạo chiến dịch Trần Đình. Trong lúc làm nhiệm vụ đồng chí bị máy bay quân đội Pháp thả bom trúng nơi làm việc và hy sinh tại Lồ Ô, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Gia đình và đồng đội đồng chí Trang Hồng Vinh đã kiến nghị lên các cơ quan, tổ chức đề nghị xem xét, công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, việc xin xác nhận liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, vì sự kiện xảy ra quá lâu. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đơn vị nơi ông công tác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giải thể để thi hành Hiệp định Geneve, thủ tục xác nhận liệt sĩ nhiều lúc tưởng chừng không thực hiện được.

Sau khi nhận được thông tin của gia đình, của đồng đội, Bộ TTTT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tìm cách thu thập đầy đủ những sở cứ để trình cấp có thẩm quyền công nhận sự hy sinh của đồng chí Trang Hồng Vinh.

Dựa trên đầy đủ các thông tin thu thập và đã xác thực, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ TTTT, ngày 5/7/2023, Bộ trưởng Bộ TTTT ký Giấy chứng nhận hy sinh cho đồng chí Trang Hồng Vinh. Căn cứ đề nghị của Bộ TTTT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 869/QĐ-TTg ngày 19/7/2023 cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trang Hồng Vinh.

Đại diện cho gia đình, bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, cháu liệt sĩ Trang Hồng Vinh xúc động chia sẻ: "Người cậu mất hơn 70 năm trước, cuối cùng cũng được vinh danh xứng đáng. Bà Huỳnh Thị Thủy Tiên gửi lời cảm ơn đến Bộ TTTT cùng các đơn vị thuộc chính quyền TP Hồ Chí Minh và nhất là với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Bá,, nguyên Tổng giám đốc VNPT, người bạn của đồng chí Trang Hồng Vinh - người trong suốt 70 năm qua chưa ngừng nghỉ tìm cách để xác nhận liệt sĩ cho bạn mình".

Trong khi đó, vào đợt tiếp công dân đầu tháng 7/2023 tại trụ sở Bộ LĐTBXH, bà Phan Thị Cưu (Nghệ An) đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Phan Văn Hán và sửa lại thông tin trên phần mộ hiện đang bị sai.

Theo bà Phan Thị Cưu (con liệt sĩ), liệt sĩ Phan Văn Hán mất từ năm 1949, thời gian gần đây gia đình mới làm hồ sơ đề nghị Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công. Quá trình hoàn thiện hồ sơ còn gặp vướng mắc do trên bia mộ ghi nhầm tên.

"Đây là trường hợp người thật, việc thật, địa phương cũng đã xác nhận nên các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm khẩn trương giải quyết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Bộ yêu cầu lãnh đạo Cục Người có công khẩn trương xác minh, xem xét. Nếu trường hợp của bà Cưu chính xác, đủ điều kiện sẽ triển khai hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công và trình Bộ trưởng ngay trong tháng 7", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng qua nhiều thời kỳ luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ với các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ, đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đây là cơ sở quan trọng để giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, đến nay cả nước đã xem xét giải quyết trên gần 7.000 hồ sơ tồn đọng. ‘Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đặc biệt những trường hợp này hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm, đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, đó là cụ Phạm Khánh ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Liệt sĩ Trang Hồng Vinh, quê quán huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành Bưu chính Viễn thông”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng qua các thời kỳ được coi là một bước đột phá lớn của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là một kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng, tạo được niềm tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Để tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tiếp tục giao Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng.

Bên cạnh nỗ lực giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, về hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách ưu đãi người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu triển khai thanh tra toàn diện trên cả nước để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-ngung-tim-kiem-thong-tin-ve-liet-si-20230724224420036.htm