Không nhiều lựa chọn chuyển giao sáng chế để trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ

Chia sẻ tại Hội thảo 'Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN)', sáng 2/12, ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cho rằng, hiện không có nhiều lựa chọn khi doanh nghiệp muốn nhận chuyển giao sáng chế để trở thành doanh nghiệp KHCN.

Hội thảo “Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp KHCN” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022 (Techfest 2022).

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cho rằng hoạt động thương mại hóa sáng chế đang ngày càng được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm.

Điều đó được thể hiện qua các văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ đến 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030...

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) tại Techfest 2022.

“Qua các chương trình, hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao: Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP, phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao”, ông Hải cho biết.

Các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần).

Theo công bố của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2021 số lượng đơn và bằng sáng chế của người Việt Nam là 9.345 đơn và 1.512 bằng sáng chế được cấp.

Tuy nhiên, số lượng giải pháp hữu ích lại ngược lại so với sáng chế. Số lượng đơn và bằng giải pháp hữu ích của người Việt Nam là 5.068 đơn và 2.001 bằng sáng chế được cấp.

Sản phẩm của Công ty Gốm sứ Minh Long tại Techfest 2022.

Việc cấp được bằng sáng chế phải thỏa mãn 3 điều kiện: Có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Trong đó, để cấp bằng giải pháp hữu ích thì phải thỏa mãn điều kiện: Có tính mới, không phải hiểu biết thông thường và có khả năng áp dụng công nghiệp.

“Sự khác nhau giữa 2 hình thức bảo hộ này là sáng chế được bảo hộ 20 năm còn giải pháp hữu ích bảo hộ 10 năm. Qua con số thống kê nêu trên ta có thể thấy việc cấp bằng sáng chế khó hơn giải pháp hữu ích, do vậy số lượng giải pháp sáng tạo của đa phần người Việt chỉ dừng ở giải pháp hữu ích”, ông Hải nhấn mạnh.

Hiện nay, cả giải pháp hữu ích và sáng chế của người Việt Nam là 3.513 bằng độc quyền, một con số khá khiêm tốn so với số lượng hàng triệu bằng sáng chế đã được cấp trên thế giới. Bởi vậy, không có nhiều lựa chọn khi doanh nghiệp muốn được nhận chuyển giao sáng chế để trở thành doanh nghiệp KHCN.

“Điểm đáng mừng là so với 5 năm trước, số lượng đơn đăng ký sáng chế đang tăng dần. Ví dụ, năm 2019 là 720 đơn, năm 2020 là 1.020 đơn, năm 2021 là 1.066 đơn, điều này cho thấy lực lượng nghiên cứu đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo hộ sáng chế và với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về sáng chế như hiện nay thì số lượng đơn đăng ký sáng chế sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Hải kỳ vọng.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/khong-nhieu-lua-chon-chuyen-giao-sang-che-de-tro-thanh-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe/20221202104738867