Không phải Hòa Thân, đây mới là quan tham đứng đầu Trung Quốc thời cổ đại
Hòa Thân được biết đến là đại tham quan, nhưng ít ai biết rằng, đây mới là nhân vật tham ô khủng đứng đầu Trung Quốc cổ đại, người này cũng làm khánh kiệt cả một triều đại.
Theo ghi chép, Năm Gia Khánh thứ tư (năm 1799), vua Gia Khánh ban cái chết cho Hòa Thân và tịch thu nhà của Hòa Thân, từ trong nhà Hòa Thân lục soát được khoảng 800 - 1.1 tỷ lượng bạc trắng. Hắn sở hữu vàng, bạc, cộng thêm đồ cổ, châu báu, tổng tài sản thu được còn nhiều hơn cả ngân quỹ thu nhập tài chính hơn 50 năm của triều Thanh. Từ đó có thể thấy, Hòa Thân chính là một tên quan tham khét tiếng thời cổ đại Trung Quốc. Thế nhưng, trong thời cổ đại Trung Quốc, những tên quan tham không chỉ có một mình Hòa Thân, so với hắn thì Hòa Thân vẫn chẳng là gì.
Hắn chính là Tể tướng cuối thời Bắc Tống - Vương Phủ, tên thật là Vương Phủ, cùng tên với một vị quan thần của thời Đông Hán nên Hoàng đế mới ban cho hắn cái tên Vương Phủ (Chữ "Phủ" này theo tiếng Trung là từ đồng âm nhưng khác nghĩa). Hắn có bộ tóc màu kim, mắt xanh biếc, miệng cực kỳ rộng, nghe nói có thể nuốt được một nắm tay vào miệng. Vương Phủ giỏi ăn nói, nói lời nào là hoàng đế đều khen tốt khen hay, cho dù chẳng có nhiều học vấn kiến thức thì hắn vẫn được vua trọng dụng.
Thời vua Tống Huy Tông, tể tướng Trương Thương Anh dần bị hoàng đế lạnh nhạt, “thất sủng”. Tống Huy Tông định cho Thái Kinh đảm nhiệm lại chức vị tể tướng. Sau khi Vương Phủ biết tin đó đã dâng tấu khen ngợi cách làm việc, xử lý triều chính của Thái Kinh, vừa nịnh bợ cả hoàng đế, lại vừa nịnh nọt Thái Kinh. Sau khi Thái Kinh được làm Tể tướng một lần nữa đã lập tức đề bạt Vương Phủ.
Sau này khi Thái Kinh bất hòa với đại thần Trịnh Cư trong triều, trong khi đó Vương Phủ lại thân thiết với Trịnh Cư, Thái Kinh cố tình làm khó Vương Phủ nhưng lại không thành công. Tuyên Hòa năm thứ nhất (năm 1119), Vương Phủ từ thông nghị đại phu (tên một chức quan, dưới cấp chính tứ phẩm) được thăng lên 8 cấp, nhậm chức tể tướng, trở thành người được sủng ái nhất thời đó. Trước khi Thái Kinh từ quan, Vương Phủ lại tỏ ra như thuận theo lòng người, có được danh hiệu người hiền đức.
Nhưng sau khi Vương Phủ có được quyền hành thì lại bắt đầu vơ vét tiền của khắp thiên hạ, thậm chí còn vơ vét cả những báu vật mà tứ phương cống nạp cho hoàng đế, chỉ nộp lại cho Tống Huy Tông 1/10 số đó, còn lại thì đều trút hết vào túi riêng của mình. Tuyên Hòa năm thứ 2 (năm 1120), khởi nghĩa Mục Châu Phương Lạp, Vương Phủ lại che giấu nói với mọi người rằng thiên hạ thái bình, đồng thời không hề báo cáo với Tống Huy Tông. Kết quả quân khởi nghĩa đã công phá được 6 quận, Tống Huy Tông phái quyền thần Đồng Quán đi dẹp loạn, nhưng Vương Phủ lại không hề bị liên lụy theo mà ngược lại còn được thưởng vì “có công”.
Để lấy lòng Tống Huy Tông, Vương Phủ quả thực là không từ thủ đoạn nào, Tống Huy Tông vì thế lại càng đối đãi tốt với Vương Phủ hơn. Thế nhưng lại chẳng hề biết rằng Vương Phủ còn kiếm được nhiều tiền của hơn cả vua. Hơn hoàng đế đã đành, theo như bút ký của nhà Tống ghi chép, giường và xe của Vương Phủ cực kỳ to lớn, mỗi tối đều có mấy chục mỹ nhân hầu hạ bên cạnh hắn. Khi ra ngoài, các vợ lớn vợ bé đều muốn đi cùng.
Vương Phủ không hề che đậy lòng tham không đáy của mình, sau khi xin lập Ứng Phụng Cục, bản thân kiêm nhiệm đề lãnh, tiền của trong ngoài đều do hắn sử dụng, hơn nữa hắn còn dùng danh nghĩa thiên tử (vua) kêu gọi người trong thiên hạ cung ứng cho Ứng Phụng Cục. Theo “Tống sử” ghi chép: “(Vương Phủ) bắt đinh phu trong thiên hạ, tính số nhân khẩu, vơ vét được 6200 vạn xâu tiền, mua được cả một tòa không thành”.
Hoàng đế bị những lời nói ngon ngọt nịnh bợ làm mờ mắt, thêm vào đó là tài sản không giới hạn, tên tể tướng coi quốc khố như của nhà mình, Bắc Tống không sụp đổ thì mới là một kỳ tích. Sau này Tống Khâm Tông kế vị, giết chết Vương Phủ nhưng khi ấy Bắc Tống đã không còn sức để chờ tới ngày hồi phục. Năm 1127, sự kiện Tĩnh Khang trở thành nỗi nhục lớn nhất trong lịch sử Bắc Tống.