Không phải tất cả giáo viên đều có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm
Việc xin cấp phép dạy thêm thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cũng như quyền lợi của người dạy đang là vấn đề nóng.

Không phải tất cả giáo viên đều có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm. Ảnh: Thống Nhất
Có hiệu lực từ ngày 14-2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, việc xin cấp phép dạy thêm thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của người dạy là vấn đề nóng.
Thông tư mới còn có quy định, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Điều này cho thấy, không phải tất cả giáo viên đều có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm. Hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình để tuân thủ đúng là việc cần thiết của mỗi giáo viên.
Giáo viên thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm thế nào?
Theo phản ánh, sau ngày 14-2 tới nay, tại bộ phận “Một cửa” giải quyết thủ tục hành chính của các quận, huyện có thêm đối tượng là giáo viên đến đăng ký kinh doanh dạy thêm. Chia sẻ về lý do có mặt tại bộ phận một cửa của quận Hai Bà Trưng, một cô giáo cho biết, cô mở một lớp dạy thêm tại nhà với khoảng 15 học sinh, nhưng đã tạm dừng từ ngày 14-2 để tìm hiểu thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm theo quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Trả lời phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đơn vị nhận được câu hỏi của nhiều giáo viên về thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm thế nào theo quy định mới để tránh phạm luật, Sở cho biết, đơn vị không có thẩm quyền giải quyết thủ tục này. Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, để được đăng ký dạy thêm, giáo viên cần thực hiện đăng ký kinh doanh, công khai, niêm yết thông tin và báo cáo với người đứng đầu nhà trường về nội dung đăng ký dạy thêm, học thêm. Về việc đăng ký kinh doanh, có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến thông tin phản ánh giáo viên “đổ xô” đi xin cấp phép dạy thêm, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 20-2, số lượng người đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận “Một cửa” thuộc một số quận nội thành như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… trong vài ngày qua có tăng lên, trong đó có đối tượng là giáo viên. Còn tại hầu hết các huyện, trong đó, thông tin từ các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Mê Linh…, tình hình không có đột biến.
Để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, giáo viên cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và nộp hồ sơ tại phòng tài chính - kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.
Giáo viên chuẩn bị hồ sơ gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Giáo viên trường công lập không được đăng ký kinh doanh dạy thêm
Ghi nhận thực tế, không ít giáo viên đến bộ phận “Một cửa” để đăng ký kinh doanh dạy thêm lại quay về vì vướng quy định định “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường” tại Thông số 29/2024/TT-BGDĐT. Mối băn khoăn chung của đội ngũ này là vì sao có quy định muốn dạy thêm ngoài nhà trường thì phải đăng ký kinh doanh nhưng họ lại không thể tự đăng ký kinh doanh để dạy thêm?
Làm rõ quy định tại sao giáo viên trường công lập không được đăng ký kinh doanh dạy thêm bên ngoài nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Điều 6, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung cơ sở dạy thêm) phải thực hiện yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc cá nhân muốn tổ chức dạy thêm chỉ cần đăng kinh doanh theo quy định của pháp luật là có thể dạy thêm hợp pháp. Tuy nhiên, cũng tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT còn có quy định: "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường".
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp có quy định "Công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp".
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 130.000 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó số giáo viên các trường phổ thông ngoài công lập khoảng hơn 30.000 người.
Như vậy, giáo viên đang làm việc tại các trường phổ thông công lập (gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chịu sự chi phối của cả Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và Luật Doanh nghiệp, vì vậy không thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh để dạy thêm. Giáo viên trường công lập muốn dạy thêm thì đăng ký tham gia tại các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép. Ngoài ra, giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm ở bên ngoài nhà trường.