Trường THPT Tân An tổ chức phiên tòa giả định phòng, chống bạo lực học đường
Phiên tòa giả định tái hiện lại vụ án liên quan đến bạo lực học đường để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Chiều 21/02, Trường THPT Tân An phối hợp Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho học sinh về phòng, chống bạo lực học đường. Phiên tòa thu hút sự theo dõi của hơn 300 học sinh các khối lớp Trường THPT Tân An.

Phiên tòa giả định thu hút hơn 300 học sinh Trường THPT Tân An tham dự
Phiên tòa giả định được xây dựng kịch bản như một phiên tòa thực tế và được chính các học sinh Trường THPT Tân An và các sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM tái hiện tình huống giả định.

Học sinh tham gia giao lưu, trả lời các tình huống pháp lý
Trong đó, nội dung phiên tòa tái hiện vụ án thực tế liên quan đến bạo lực học đường. Từ mâu thuẫn rất nhỏ trong trường học, anh trai của 1 học sinh đã giúp người em giải quyết mâu thuẫn, gây thương tích cho học sinh khác. Đây cũng là tình huống khá phổ biến từng xảy ra trong môi trường học đường.

Ban Tổ chức tặng quà cho các học sinh tham gia trả lời tình huống pháp lý
Tại phiên tòa giả định, học sinh cũng được giao lưu, tham gia trả lời các tình huống pháp lý cùng sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân An - Hồ Tấn Nhi, việc tổ chức phiên tòa giả định là một hoạt động học thuật trải nghiệm bổ ích giúp học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Đây cũng là cơ hội để học sinh tiếp cận với môi trường pháp lý thực tế, nâng cao nhận thức về các vấn đề pháp lý trong xã hội, nhất là cách ứng xử giữa học sinh trong môi trường học đường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật./.