Không phải tất cả học sinh phải học Tiếng Hàn

Bộ GD&ĐT quyết định dạy thí điểm Tiếng Hàn, Tiếng Đức là môn Ngoại ngữ 1. Điều này không có nghĩa tất cả học sinh bắt buộc học Tiếng Hàn.

Trước lo lắng học sinh phải học Tiếng Hàn như một môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã có văn bản giải thích môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1.

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc. Trước đây, học sinh có thể chọn một trong các ngoại ngữ Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật.

 Học sinh sẽ học thí điểm Tiếng Hàn, Tiếng Đức như Ngoại ngữ 1. Ảnh minh họa: Y Kiện.

Học sinh sẽ học thí điểm Tiếng Hàn, Tiếng Đức như Ngoại ngữ 1. Ảnh minh họa: Y Kiện.

Trong khi đó, Tiếng Hàn, Tiếng Đức từng nằm trong danh sách Ngoại ngữ 2 - môn học tự chọn.

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là Ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là Ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn Tiếng Hàn, Tiếng Đức là Ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song Ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy Tiếng Hàn, Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Với từ “bắt buộc”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”.

Đây là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng được xác định là Ngoại ngữ 1.

“Như vậy, học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn”, ông Thành nhấn mạnh.

Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với bộ. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Sau thời gian dạy thí điểm là Ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học Tiếng Hàn, Tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn Ngoại ngữ 1 khác.

Trước đó, ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký quyết định 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Trong đó, phần đặc điểm môn học ghi "Môn Tiếng Hàn - Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc", "Với tư cách là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Tiếng Hàn còn liên quan và tác động qua lại với một số môn khác như Ngữ văn, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý...". Điều này khiến nhiều phụ huynh hiểu nhầm và lo lắng học sinh bắt buộc phải học Tiếng Hàn từ lớp 3 đến lớp 12.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-phai-tat-ca-hoc-sinh-phai-hoc-tieng-han-post1189575.html