'Không quá ngạc nhiên khi điểm trúng tuyển đại học lên đến 29,95'

Đến thời điểm hiện tại, thực tế điểm trúng tuyển đại học năm 2022 khiến nhiều người cảm thấy sốc khi có ngành học lên đến 29,95. Việc này sẽ gây ra nhiều lo lắng trong xã hội về sự công bằng của những phương thức xét tuyển...

PGS. TS. Trần Thành Nam không quá ngạc nhiên khi điểm trúng tuyển đại học năm nay khá cao. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Trần Thành Nam không quá ngạc nhiên khi điểm trúng tuyển đại học năm nay khá cao. (Ảnh: NVCC)

Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu bài viết của PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về mức điểm chuẩn đại học năm 2022, khi có ngành điểm trúng tuyển "chạm trần" 29,95.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.

Nghĩ gì khi điểm chuẩn lên đến 29,95?

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều chuyên gia đã dự báo rằng, do không còn tình trạng "mưa điểm 10" như năm ngoái nên năm nay không còn tình trạng 30 điểm mới trúng tuyển đại học nữa. Các chuyên gia cũng dự báo, một số tổ hợp trúng tuyển sẽ cao lên 1-2 điểm như tổ hợp có môn Lý, một số tổ hợp sẽ thấp đi như tổ hợp có môn Sinh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thực tế điểm trúng tuyển khiến nhiều người cảm thấy sốc. Có những ngành học điểm lên đến 29,95 mới trúng tuyển. Việc này sẽ gây ra nhiều lo lắng trong xã hội về sự công bằng của những phương thức xét tuyển.

Ví dụ, sẽ có rất nhiều thí sinh thi không đạt được 29,95 để đỗ vào ngành học này nhưng đã đỗ sớm vào chính ngành đó chỉ vì tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và có giải. Nó cũng gây ra sự quan ngại về độ tin cậy, độ hiệu lực của kỳ thi, hay độ phân hóa của đề thi.

Liệu rằng những em có điểm chuẩn cao như vậy đỗ vào trường thì có năng lực tương ứng không? Các em có theo học được và ra trường các em có trở thành những người tạo dấu ấn trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình được như thế hệ trước chỉ đỗ vào trường với 17, 18 điểm hay không?

Rồi nó cũng tạo ra những dư luận trái chiều về lợi ích của việc tổ chức kỳ thi này quá nhỏ khi 98-99% đỗ tốt nghiệp THPT và 29,95 điểm mới đỗ đại học để so với những hệ quả căng thẳng tâm lý và tốn kém xã hội mà chúng gây ra.

Tuy nhiên, nếu được hỏi liệu tôi có ngạc nhiên về mức điểm chuẩn năm nay không thì câu trả lời là không. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy xu hướng này vì những nguyên nhân đã từng được chỉ ra từ năm ngoái.

Thứ nhất, mục tiêu của việc thi tốt nghiệp THPT theo cách như hiện nay không còn phù hợp để xét tuyển đại học nữa. Kỳ thi này được thiết kế để đánh giá theo các yêu cầu cần đạt và chuẩn đầu ra theo chương trình GDPT bậc THPT.

Điểm số đạt được chỉ là mức sàn, mức tối thiểu để công nhận tốt nghiệp THPT chứ không phải là một đề thi tìm kiếm tinh hoa và các năng lực đặc biệt phù hợp với những ngành học chuyên biệt ở bậc đại học.

Vì vậy, đề thi chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản, không có tính phân hóa cao, đạt điểm tối đa ở những tổ hợp thi này chưa chắc đã phản ánh hết mức năng lực của thí sinh.

Thứ hai, nhiều trường cũng không còn quá tin tưởng vào điểm thi tốt nghiệp THPT nên đã phân bổ nhiều chỉ tiêu cho các phương án xét tuyển khác như thành tích tham gia kỳ thi quốc tế hoặc học sinh giỏi quốc gia, khoa học kỹ thuật quốc gia, các giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS 6.0 trở lên, TOEFL iBT 60, Cambridge English Qualifications 169, SAT 1200, ACT 25 điểm.

Nếu sử dụng chứng chỉ tiếng Pháp, thí sinh cần có DELF B1, TCF 300; tiếng Trung HSK 4 (từ 270 trở lên); tiếng Hàn Topik 3; tiếng Nhật N3.

Nhiều trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân tuyển 30-40% chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Vì chỉ tiêu tuyển ít, nhiều trường phải tăng điểm chuẩn lên vì chỉ cần hạ 0,25 điểm thôi cũng sẽ có đến vài trăm học sinh trúng tuyển và nhà trường sẽ bị phạt vì vượt chỉ tiêu. Cũng không phải không có trường hợp có ngành được phân chỉ tiêu quá ít, đào tạo thì lỗ nên cơ sở giáo dục chủ động tăng điểm vô lý để thí sinh không đỗ được.

Một nguyên nhân tâm lý xã hội sâu xa dẫn đến việc điểm thi sẽ vẫn tiếp tục cao trong những năm tới. Đó là chúng ta vẫn đặt nặng thành tích, vẫn coi việc học là để ứng thí, học để phục vụ cho các kỳ thi. Giáo viên dạy giỏi cũng đồng nghĩa với việc luyện thi giỏi.

Hãy thử ngẫm lại xem có bao nhiêu thầy cô giáo vẫn đang hằng năm sưu tầm tất cả các đề thi để luyện cho học trò của mình? Năm nay, khi nhận kết quả, có bao nhiêu thầy cô vẫn cảm thấy tự hào vì điểm thi tốt nghiệp của học trò mình cao gần tuyệt đối?

Bao nhiêu lãnh đạo các trường đại học vẫn tự hào báo cáo điểm trúng tuyển vào các ngành học của trường cao ấn tượng hơn năm trước. Nói một cách khác, khi tất cả chúng ta muốn thành tích, chúng ta sẽ có thành tích. Chỉ có điều, thành tích đó có thể không tương xứng với năng lực của người học mà chúng ta tìm kiếm.

Cá nhân tôi là một nhà tâm lý, thường phải thực hiện các bài trắc nghiệm đánh giá chỉ số IQ cho những đứa trẻ. Mặc dù các câu hỏi trong bài trắc nghiệm IQ phải bảo mật nhưng từ năm 1972, người ta phát hiện hiệu ứng Flynn, có nghĩa là cứ khoảng 5-10 năm thì điểm IQ của đứa trẻ đo bằng trắc nghiệm đó tăng 3-5 điểm.

Lý do là vì con người ngày càng tiếp cận với tri thức nhiều hơn nên thông minh và vì họ ngày càng quen hơn với các dạng bài tập đánh giá IQ.

Tương tự, nếu ngân hàng câu hỏi trong đề thi của chúng ta truyền thống, cũ kỹ và không được thay mới liên tục thì qua thời gian, độ khó của chúng ngày càng giảm xuống và học sinh ngày càng đạt điểm cao hơn.

Cùng với đó, nếu tất cả các dạng đề đều được công khai, mọi người đều có thể lấy xuống để luyện thì học sinh sẽ đạt được điểm cao không phải vì năng lực tốt mà vì được luyện... quen tay.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tình trạng ngành thì “điểm cao chót vót” đến 29,95 điểm, có ngành lại “tuột dốc không phanh” như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10,1 điểm so với năm 2021 xuống còn 17 điểm hay ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa giảm 10,4 điểm so với năm 2021 xuống còn 15 điểm. Nguyên nhân là công tác phân tích dự báo nhu cầu và tâm lý của người học chưa tốt, loạn thông tin tư vấn hướng nghiệp.

Phân tích dự báo nhu cầu tâm lý của người học chưa tốt

Do phân tích dự báo nhu cầu tâm lý của người học chưa tốt nên nhiều trường chỉ căn cứ vào mức điểm và số lượng người đăng ký của năm trước để tăng chỉ tiêu lên cao quá mức (ví dụ chương trình Logistic đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 1,6 nghìn lên 5 nghìn) mà không cân nhắc đến rất nhiều chương trình mới hấp dẫn khác được các cơ sở giáo dục đại học mở ra cho thí sinh năm nay.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang hút rất nhiều thí sinh muốn du học trong nước với một chương trình chất lượng quốc tế mà các trường không tính tới.

Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình về bản chất là quảng bá tuyển sinh của các trường nhưng lại xuất hiện dưới cái tên tư vấn hướng nghiệp khiến cho các thí sinh bị ấn tượng sai lầm về các ngành nghề hot.

Nhiều chuyên gia cũng nói chuyện trên mạng xã hội và các cơ quan truyền thông báo chí về hướng nghiệp nhưng không dựa trên số liệu phân tích cụ thể nào mà chỉ kết luận "tôi nghĩ là", "tôi cho là" khiến thí sinh lầm lẫn.

Tôi đã trực tiếp hỏi chuyện một số thí sinh và được biết, các em đổi lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1 sau khi nghe thầy này nói hoặc nghe chuyên gia kia nói và em thấy rất hợp với bản thân mình.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi em có tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo ngành đó không, có đọc đề án tuyển sinh của trường chưa, có biết số lượng chỉ tiêu tuyển theo từng phương thức vào ngành mà em mong muốn không thì thí sinh hoàn toàn không biết tất cả những nội dung này.

Chính vì vậy, rất nhiều thí sinh bị ấn tượng sai, thay đổi quyết định chọn nguyện vọng vào các ngành hot trong khi hoàn toàn không ý thức được về số chỉ tiêu tuyển cho ngành đó nhiều hay ít ra sao.

Giải bài toán thế nào?

Cuối cùng, những giải pháp chúng ta có thể nghĩ đến cho bài toán này là gì?

Thứ nhất, chúng ta phải cân nhắc một cách cẩn trọng và có quyết định sớm về việc có nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để làm tiêu chí xét tuyển đại học nữa hay không?

Nếu vẫn tiếp tục thì phải cải tiến đề thi, phương thức thi thế nào để tránh hiệu ứng Flynn đã nói ở trên. Làm thế nào để bài thi phải phân hóa hơn, ví dụ như bài thi sẽ chấm theo phổ điểm 100 thay cho 10.

Thứ hai, có lẽ cần để cho các trường tự chủ tuyển sinh bằng các bài thi năng lực riêng, có thể tiến hành theo các cụm trường phân theo ngành/nhóm ngành. Ví dụ, nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành giáo dục, nhóm ngành khoa học kỹ thuật sẽ thi theo các bài đánh giá chung.

Vấn đề là phải giải trình được là các tiêu chí của bài đánh giá phù hợp với phẩm chất, năng lực của vị trí việc làm tương ứng với chương trình đào tạo.

Thứ ba, ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, tách thi ra khỏi tuyển.

Thứ tư, tiếp tục đấu tranh với chủ nghĩa thành tích, đấu tranh chống lại văn mẫu, chống lại kiểu dạy luyện thi, hướng tới học thật, thi thật, nhân tài thật.

Thứ năm, triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp bài bản và từ cấp THCS, tổ chức trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh thật đa dạng kết hợp với gia đình và công tác tư vấn hướng nghiệp phải được kiểm soát một cách nghiêm túc.

Hướng tới, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cũng phải được cấp phép, việc phân tích xu hướng, dự báo nhu cầu thị trường lao động phải dựa trên phân tích dữ liệu lớn.

PGS. TS. Trần Thành Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-qua-ngac-nhien-khi-diem-trung-tuyen-dai-hoc-len-den-2995-198913.html