Không quân Mỹ muốn bao nhiêu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6?

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall mới đây cho biết lực lượng này sẽ sở hữu 200 máy bay tiêm kích thuộc chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD). Đây là lần đầu tiên số lượng các máy bay tiêm kích loại mới mà không quân Mỹ muốn sở hữu được đề cập cụ thể.

“Đắt nhất mọi thời đại”

Tạp chí Popular Mechanics dẫn lời Bộ trưởng Kendall cho biết, các máy bay tiêm kích thuộc chương trình NGAD nói trên sẽ được hỗ trợ bởi các máy bay không người lái. Các máy bay có người lái và không người lái này sẽ tạo thành “mũi nhọn của lực lượng máy bay tiêm kích trong tương lai của Mỹ”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kendall lại nhấn mạnh số liệu trên là “ước tính”, “không phải là mục tiêu” và được sử dụng cho “các mục đích lập kế hoạch”. Theo Tạp chí Popular Mechanics, phát biểu của Bộ trưởng Kendall cho thấy không quân Mỹ không muốn dư luận nghĩ rằng lực lượng này chỉ cần 200 máy bay tiêm kích thuộc chương trình NGAD. Con số 200 có thể chỉ là “khởi điểm trong một số kịch bản nhất định” và có thể tăng thêm nhằm bảo đảm “Mỹ có được ưu thế trên không nhanh hơn nếu xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai”.

 Không quân Mỹ muốn “cho về vườn” 42 máy bay cường kích A-10 trong tài khóa 2024. Ảnh: Defense News

Không quân Mỹ muốn “cho về vườn” 42 máy bay cường kích A-10 trong tài khóa 2024. Ảnh: Defense News

Cho đến nay, có rất ít thông tin rò rỉ về chương trình NGAD. Người ta chỉ biết rằng chương trình NGAD bao gồm các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có người lái kết hợp với một số biến thể không người lái khác. Tạp chí Air & Space Forces Magazine trích dẫn một tài liệu của không quân Mỹ nhấn mạnh chương trình NGAD thể hiện “khả năng chiến đấu và giành chiến thắng của chúng ta trong môi trường cạnh tranh khốc liệt trong tương lai” và phương pháp mới để phát triển chương trình NGAD “ở một tốc độ mà các mối đe dọa trong tương lai không thể sánh kịp” sẽ cho phép không quân Mỹ duy trì được ưu thế của mình.

Bộ trưởng Kendall cho biết, mỗi máy bay tiêm kích thuộc chương trình NGAD sẽ có giá lên tới “hàng trăm triệu USD” đối với phiên bản có người lái. Trong khi đó, mỗi chiếc thuộc phiên bản không người lái sẽ có giá “không quá một nửa” phiên bản có người lái.

Theo Tạp chí Popular Mechanics, dự kiến vào năm 2030, các máy bay tiêm kích “đắt nhất mọi thời đại” thuộc chương trình NGAD sẽ bắt đầu thay thế F-22 - máy bay tiêm kích thế thệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới. Bối cảnh chiến lược đã có nhiều thay đổi kể từ cuối thập niên 1980 khi chương trình F-22 được khởi động và chương trình NGAD “sẽ phản ánh thực tế đó”. Nhận định chương trình NGAD “có lẽ không giống bất cứ chương trình nào trước đây” và không quân Mỹ ưu tiên chất lượng so với số lượng nhằm bảo đảm các máy bay tiêm kích thuộc chương trình NGAD đi trước các đối thủ trong những thập niên tới, Tạp chí Popular Mechanics cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ “thực sự không quan tâm về chi phí”.

Kế hoạch loại biên lớn

Không lâu sau khi lần đầu tiên đề cập con số "ước tính" 200 máy bay tiêm kích thuộc chương trình NGAD, không quân Mỹ cũng thông báo có kế hoạch “cho về vườn” 310 máy bay trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2024 bắt đầu từ ngày 1-10 tới để dành tiền cho các chương trình hiện đại hóa. Kế hoạch được công bố trong bối cảnh các máy bay cũ của không quân Mỹ được đánh giá là đang trở nên “ngày càng đắt đỏ để duy trì”.

Theo tờ Air Force Times, thời gian phục vụ trung bình của các máy bay trong không quân Mỹ là 29 năm và khoảng 1/2 số máy bay của không quân Mỹ hiện nay được đưa vào sử dụng từ thập niên 1980, thậm chí có loại từ đầu thập niên 1960.

Trang mạng Defense News cho biết, trong kế hoạch loại biên 310 máy bay trong tài khóa 2024 của không quân Mỹ có 42 máy bay cường kích A-10, 57 máy bay tiêm kích F-15C và F-15D cùng 32 máy bay tiêm kích F-22 vốn không còn khả năng chiến đấu và đang được sử dụng chủ yếu cho các nhiệm vụ huấn luyện. Tầm này năm ngoái, trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023, không quân Mỹ cũng từng muốn loại biên 150 máy bay.

Sau đó, Quốc hội Mỹ đã đồng ý để 115 chiếc trong số này được “nghỉ hưu”. “Nếu Quốc hội phê chuẩn kế hoạch “cho về vườn” tất cả hay thậm chí là phần lớn trong số 310 máy bay nói trên, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của không quân Mỹ nhằm loại bỏ các máy bay già cỗi, lỗi thời”, Defense News nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/khong-quan-my-muon-bao-nhieu-may-bay-tiem-kich-the-he-thu-6-722199