Không rút gọn quy trình liên quan công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng nội quy kỳ họp Quốc hội cũng cần phải xem xét cách thức nào đó với đại biểu Quốc hội ngủ gật, dùng điện thoại riêng và nghỉ họp nhiều ngày.

Sáng 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tài liệu phải gửi trước cho đại biểu 48 tiếng đồng hồ

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Ban soạn thảo đề xuất quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được bổ sung, chỉnh lý, như không quy định cứng về thời gian được phép kéo dài của phiên họp (Nội quy hiện hành chỉ cho phép kéo dài không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng và 60 phút của phiên họp buổi chiều).

Tài liệu cũng được yêu cầu gửi sớm hơn đến đại biểu Quốc hội. Các tài liệu gồm dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).

 Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày nội dung sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: QH

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày nội dung sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: QH

Một vấn đề còn ý kiến khác nhau vẫn để hai phương án, đó là quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

Tổng thư ký Lê Quang Tùng cho hay có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… để tránh hình thức.

Ban soạn thảo nhận thấy việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Do đó, Ban Soạn thảo xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.

Nâng cao chất lượng thảo luận

Sau khi một số Ủy viên phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến cho rằng tại kỳ họp thứ 9 phải nâng cao chất lượng thảo luận.

"Có những buổi thảo luận một buổi nhưng có mấy vấn đề thôi, khi đại diện ban soạn thảo lên nói là rõ. Có thể điều hành vận dụng linh hoạt để chuyển sang mục khác, đỡ mất thời gian. Một buổi có mấy vấn đề nói đi nói lại. Tránh tình trạng bài viết sẵn rồi đọc ở hội trường" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói giám sát thực hiện nội quy kỳ họp cũng rất quan trọng. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói giám sát thực hiện nội quy kỳ họp cũng rất quan trọng. Ảnh: QH

Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý nội quy phải tính toán cách thức nào đó với các đại biểu Quốc hội vào hội trường họp mà ngủ gật, hay dùng điện thoại riêng. Ông cũng đề nghị Nội quy kỳ họp phải có biện pháp khi đại biểu nghỉ họp thường xuyên.

“Phải có quy định nghỉ 1 ngày, 3 ngày thì phải thế nào, nhất là đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách” - ông Trần Thanh Mẫn nói.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu phải đẩy mạnh “Quốc hội số” thông qua tập huấn, trang bị đầy đủ các thiết bị, phần mềm để đại biểu Quốc hội có thể sử dụng ở bất kỳ đâu. Việc này, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng là để tăng cường tương tác với cử tri chứ không chỉ là tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

“Việc ban hành nội quy là một chuyện nhưng giám sát việc thực hiện nội quy cũng quan trọng, không để “nói một đàng làm một nẻo” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về phạm vi sửa đổi bổ sung Nội quy, giao Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện Dự thảo.

Ông cũng đề nghị bổ sung quyền, trách nhiệm của đại biểu phát biểu và tham gia ý kiến bằng văn bản, kể cả dự họp hay vắng mặt.

"Như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, Nội quy cũng cần quy định về trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác với cử tri, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội" - ông Định nói thêm.

Nghỉ giữa hai đợt họp vẫn phải làm việc

Lưu ý nội quy cần thiết kế quy định để chủ tịch đoàn điều hành các phiên thảo luận toàn thể có quyền giới hạn nội dung thảo luận, hướng vào trọng tâm trọng điểm, điều hành thời gian theo hướng phát biểu 5 phút, còn lại gửi ý kiến bằng văn bản.

Với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội trước đó về việc phải quy định thời gian nghỉ giữa hai đợt của kỳ họp là điều cần thiết. Cần quy định xem trong thời gian nghỉ giữa hai đợt họp thì Quốc hội làm gì, các Ủy ban, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chuyên trách làm gì.

Vì dù là nghỉ giữa hai đợt họp thì vẫn là kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-phai-tinh-den-chuyen-dai-bieu-ngu-gat-hay-dung-dien-thoai-vang-hop-post846008.html