Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng

Dự kiến từ ngày 1-7-2024, chính sách tiền lương mới sẽ chính thức đi vào thực tế. Chính sách tiền lương mới được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra hiện nay. Song, vấn đề không chỉ là tiền lương.

Chính sách tiền lương mới được kỳ vọng sẽ đảm bảo mức lương tối thiểu đủ sống, giảm thiểu tình trạng lao động nghèo và tạo động lực làm việc cho người lao động. Chính sách tiền lương mới cũng được xem là một bước ngoặt trong chính sách tiền lương của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu nâng lương đáng kể đối với đội ngũ cán bộ, công chức, qua đó góp phần hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong bộ máy nhà nước vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, có trách nhiệm và có khát khao đóng góp cho xã hội, nhưng mức lương chưa tương xứng. Một số nhóm cán bộ, công chức, viên chức có mức lương thấp hơn khá nhiều so với khu vực tư nhân, thậm chí nhiều trường hợp còn thấp hơn cả công nhân làm trong các khu công nghiệp. Vì thế, tăng lương sẽ góp phần hạn chế được dòng chảy chất xám ra khỏi bộ máy. Điều này cũng gián tiếp hạn chế tham ô, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cũng là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, lương của công chức, viên chức được tính theo công thức: Lương = hệ số lương x mức lương cơ sở. Như vậy, hiện nay lương của công chức không giữ chức vụ, mức cao nhất với chuyên viên cao cấp, hệ số 10,0 sẽ là 18 triệu đồng/tháng. Đối với viên chức, mức lương cao nhất cũng là bậc cao cấp, như kiến trúc sư cao cấp, giảng viên cao cấp, bác sĩ cao cấp… hệ số 8,0 cũng chỉ đạt 14 triệu đồng/tháng.

Trong bối cảnh chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024. Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng 30% mức lương cơ sở (từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng) đối với tất cả đối tượng hưởng lương và đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở từ ngân sách. Với mức lương cơ sở mới, các mức lương cao nhất như đã đề cập sẽ là 23,4 triệu đồng/tháng và 18,72 triệu đồng/tháng.

Để đạt mức lương tối đa, ở bất kỳ ngạch nào, ngành nghề nào cũng đều phải trải qua thời gian làm việc không dưới 15 năm. Mặt bằng chung, nếu không có phụ cấp, là lương cơ sở mới, bình quân lương của công chức, viên chức hiện nay phần lớn cũng không quá 10 triệu đồng/tháng. Nếu đem các con số này so với lương của công nhân trong các khu công nghiệp thì thật... khó nói.

Lương thấp như vậy, vì sao thời gian dài vừa qua nhiều người vẫn muốn làm việc trong cơ quan nhà nước? Cũng rất khó trả lời được câu hỏi này một cách toàn diện.

Có thể thấy, đại đa số cán bộ, công chức, viên chức là những người yêu nghề, gắn bó với nghề, có lương tâm, trách nhiệm, vui vẻ với mức lương thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, chi tiêu khéo léo vẫn bảo đảm được một cuộc sống không quá khó khăn. Nhưng cũng có thực tế khác, một bộ phận năng lực kém, không làm nổi trong môi trường khác, phải nương tựa vào Nhà nước. Cá biệt, một số trường hợp vào Nhà nước nhằm tìm cơ hội tiêu cực, nhũng nhiễu...

Từ đó có thể thấy, chính sách tiền lương hợp lý chỉ là một mặt của vấn đề. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, cách sử dụng người lao động là một trong những vấn đề cốt lõi khác và quan trọng không kém, thậm chí là rất quan trọng. Bởi người xưa có câu "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, và sự bất hợp lý nào cũng vậy, nếu tồn tại lâu dài cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả bộ máy.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159255/khong-so-thieu-chi-so-khong-cong-bang