Không thể 'ào ào' trong quản lý tài chính công đoàn

Sửa đổi Luật Công đoàn lần này, quy định về tài chính công đoàn vẫn khiến cả đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp băn khoăn. Có vị bộ trưởng cho rằng, nguồn kinh phí 2% giống như một sắc thuế, nên quản lý theo kiểu 'ào ào' là không được.

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: Duy Linh

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: Duy Linh

Phải kiểm toán định kỳ

Dự kiến trình Quốc hội từ cuối năm 2020, sau đó lại lùi, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo) đã chính thức được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, tại 19 tổ thảo luận.

Đây là dự thảo với khá nhiều vấn đề khó, song ở nhiều tổ thảo luận lại được ghép để xem xét cùng 3 nội dung khác trong thời gian chưa đầy một buổi sáng, nên không có nhiều ý kiến góp ý sâu. Dù vậy, ý kiến băn khoăn về tài chính công đoàn còn không ít.

Lần sửa đổi này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo) vẫn đề nghị duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

Theo đó, Điều 29, Dự thảo quy định, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng ủng hộ và thống nhất với việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để quy định nhằm có thể điều chỉnh linh hoạt mức đóng kinh phí công đoàn một cách phù hợp (thậm chí phân loại mức đóng theo số lượng người lao động của doanh nghiệp) để hài hòa. Quy định này vừa bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn, vừa không tạo gánh nặng cho người lao động, doanh nghiệp.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Đồng tình với đề nghị trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải báo cáo Quốc hội xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao.

Ông Dung nhấn mạnh, 2% phí công đoàn này bản chất “là một sắc thuế, chứ không phải khoản thu đơn thuần”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định để kiểm toán hoặc thanh tra nguồn kinh phí công đoàn 2% này.

“Là một sắc thuế thì phải quản lý theo sắc thuế, không thể quản lý ‘ào ào’ được đâu. Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Cũng đồng tình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội về kinh phí công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói, đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và xã hội cũng quan tâm. Nhưng trong hồ sơ Dự án luật, việc sử dụng kinh phí công đoàn 2% trong thời gian vừa qua như thế nào còn chưa rõ.

“Tài sản về đất đai, các cơ sở của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ở các địa phương rất nhiều. Hồi xưa, các khu nghỉ nghỉ mát mùa hè toàn ở vị trí rất đắc địa, rất đẹp. Ở tỉnh nào, bãi biển nào cũng có. Vậy sử dụng quỹ đất này, tài sản này như thế nào phải làm rõ hơn”, ông Thanh đề nghị.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) tán thành bổ sung quy định về công khai tài chính công đoàn vào Dự thảo.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, quy định như Dự thảo chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận của công đoàn viên với tài chính công đoàn.

Vị đại biểu Hưng Yên đề nghị, nên quy định các cấp công đoàn phải thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và đưa lên trang thông tin điện tử để đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính công đoàn đến các công đoàn viên và các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng băn khoăn về sự minh bạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, cần phải công khai về tình hình quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn trong thời gian vừa qua.

“Tới đây, lương của người lao động cả khu vực sản xuất - kinh doanh và khu vực nhà nước, tức là công chức, viên chức tăng lên rất lớn. Như vậy, kinh phí công đoàn theo đúng theo tỷ lệ sẽ tăng rất cao. Vậy kinh phí đó được sử dụng để làm gì, chi cho ai, mức độ như thế nào phải rõ ràng”, ông Toàn nêu ý kiến.

Cơ sở 75%, cấp trên 25%

Tham gia thảo luận tổ, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay, kinh phí công đoàn để lại công đoàn cơ sở 75% để các công đoàn cơ sở trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động, còn lại 25% phân phối cho cấp trên công đoàn là cấp cơ sở, cấp tỉnh và trung ương.

Đề nghị tiếp tục giảm phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1%

Sửa đổi Luật Công đoàn lần này, đề nghị tiếp tục nghiên cứu giảm phí công đoàn từ 2% xuống tối đa là 1%. Trong phần 1% này, đề nghị để lại phần lớn cho công đoàn cơ sở, để lo đời sống cho công nhân. Cụ thể, 15% nộp lên công đoàn cấp trên, còn 85% để lại cơ sở. Đó cũng là hỗ trợ doanh nghiệp. doanh nghiệp đang chịu rất nhiều chi phí, nên giảm được phần nào thì nên tính toán hỗ trợ doanh nghiệp phần đó.

- Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

“Cấp trực tiếp trên cơ sở thì cũng thực chất là quay trở lại chăm lo cho đoàn viên và người lao động, bởi một số công đoàn cơ sở không đủ chi phí 75%, thì cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết và bổ sung lại. Như vậy, số chi trực tiếp cho người lao động là gần 84%”, ông Khang giải thích.

Vẫn theo Chủ tịch Khang, theo mức lương bình quân toàn quốc hiện nay, công nhân nhận 8,2 triệu đồng/tháng, một năm khoảng 100 triệu đồng. Với mức đó, kinh phí công đoàn khoảng 2 triệu đồng, thì để lại trực tiếp cho công đoàn phía dưới là 75% tức 1,5 triệu đồng.

Khoản này gồm có thăm hỏi, ốm đau; quà tết Âm lịch, sinh nhật, tổ chức hoạt động phong trào văn hóa tại công đoàn cơ sở. “Như vậy, tính trung bình, mỗi công nhân chỉ đóng 1,5 triệu đồng chứ không nhiều”.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, cơ quan này có "một chút tích lũy" từ năm 1957 đến nay. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất cho phép được tham gia xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Theo ông Khang, Luật Nhà ở đã quy định việc này và tới đây, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn trình tự, đối tượng đối với nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện.

Liên quan quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án 1 giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Còn phương án 2 xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Theo ông Khang, tỷ lệ phân phối 75% - 25% là mức lâu nay thực hiện ổn định và cũng đã tham khảo kinh nghiệm một số nước.

"Kinh nghiệm tại một số nước mà chúng tôi đi tìm hiểu thì tỷ lệ cũng khoảng 73 - 75%", ông Khang nói thêm.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cái gì đã chín, đã rõ thì quy định trong Luật, còn nếu chưa chín, chưa rõ thì quy định nguyên tắc, tiêu chí, sau này giao Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy để tránh sau này có vướng mắc trong thực tiễn mà phải chờ sửa luật thì rất lâu, trong khi nghị định của Chính phủ có thể sớm sửa được.

Nhấn mạnh việc cần phải minh bạch trong việc quản lý và sử dụng phí công đoàn, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị xem xét tăng tỷ lệ phần trăm kinh phí công đoàn cho cơ sở nhằm nâng cao phúc lợi xã hội cho đoàn viên và người lao động.

Vị đại biểu này cho rằng, không nên quy định cứng công đoàn cơ sở và các tổ chức, người người lao động tại doanh nghiệp được phân phối là 75% hay là công đoàn cấp trên quản lý 25%, mà nên quy định linh hoạt theo hướng là tối thiểu 75% và tối đa là 25%. Như vậy sẽ đảm bảo linh hoạt trong điều kiện điều tiết tổng thể tùy theo quy mô tổ chức công đoàn hoặc theo điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, từng thời kỳ.

Theo nghị trình, trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-the-ao-ao-trong-quan-ly-tai-chinh-cong-doan-d217392.html