Xác thực truy xuất nguồn gốc: 'hộ chiếu số của sản phẩm' cho hành trình xuất ngoại
Xác thực truy xuất nguồn gốc được xem là 'liều thuốc đặc trị' cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay, đồng thời là 'hộ chiếu số của sản phẩm' cho hành trình xuất ngoại song cần có sự chung tay giữa các cơ quan, ban ngành.
Thông tin tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” được tổ chức sáng nay (8/7) tại Hà Nội, ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ KH&CN cho hay, có 3 loại hình hàng giả trên thị trường, đó là giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Trong năm 2024, đã xử lý 34.000 vụ.
Truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm
Các vụ điển hình như các vụ thuốc giả ở TPHCM, sữa giả ở Hà Nội, thiết bị điện tử giả ở Hà Nội, mỹ phẩm giả ở Nghệ An… Điều này ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

Sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm là "hộ chiếu số" cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế.
Ông Chính cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đều được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu.
“Các vụ sản xuất – kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy cần nhanh chóng siết quản lý bằng công nghệ. Chuyển đổi số chính là khoác lên hàng hóa chiếc áo thông minh, minh bạch và có thể kiểm chứng được, từ đó xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng” – ông Chính nhấn mạnh.
Ông Chính đồng thời mong muốn Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân.
Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia. Để truy xuất nguồn gốc, cần kết nối dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương.
“Chúng ta đều biết, các sản phẩm hàng hóa chịu sự quản lý giám sát của đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, các dữ liệu được sinh ra trong quá trình quản lý giám sát cũng như sản xuất từ nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau. Vì vậy để dữ liệu hình thành lên chuỗi thì chúng ta cần phải kết nối các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, thậm chí cả với thị trường quốc tế. Như vậy, chúng ta mới có đầy đủ dữ liệu thông tin, thông tin mới được minh bạch và dễ dàng truy cập” – ông Chính nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, cho rằng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm không mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, được nhiều người quan tâm. Đã có những quy định, tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc này nhưng còn rất manh mún, rời rạc, và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào.
Hiện nay, từng doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, nhiều doanh nghiệp lớn đã có công nghệ, có hệ thống cho sản phẩm và xác thực sản phẩm của họ, tuy nhiên chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất cho cả quốc gia cũng như liên thông quốc tế. Đặc biệt, bộ tiêu chuẩn đó không được xác thực bởi cơ quan nhà nước, mà đơn giản là chỉ kết nối trong nội bộ của từng doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.
Tiến tới minh bạch từ trang trại đến bàn ăn
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Pháp chia sẻ kinh nghiệm từ EU, toàn bộ chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn, đều bắt buộc phải truy xuất rõ nguồn gốc và dán nhãn minh bạch. Công nghệ blockchain đang được ứng dụng rộng rãi trong kiểm soát gian lận nguồn gốc thực phẩm, dược phẩm, nông sản…
Chia sẻ thêm cùng VnBusiness bên lề sự kiện, các chuyên gia cho rằng việc xác thực truy xuất hàng hóa sản phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Bùi Bá Chính, chúng ta cần đặc biệt lưu ý, ngoài câu chuyện “thẻ vàng” IUU tại thị trường châu Âu đối với khai thác hải sản, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hoặc với các sản phẩm trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới... đều yêu cầu.
“Nếu chúng ta không tiến hành triển khai toàn diện hoặc chậm trễ minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì các sản phẩm nông sản khi xuất khẩu sẽ càng gặp nhiều rủi ro, thậm chí là khó khăn trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường mới” – ông Chính nói.
Còn theo nhìn nhận của ông Huy, chắc chắn nông nghiệp là một mảng quan trọng và là mảng chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam, nên câu chuyện hàng hóa kém chất lượng trong nông nghiệp cũng là vấn đề lớn được quan tâm trong thời gian qua.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã xây dựng hệ thống cho lĩnh vực của mình để truy xuất nguồn gốc và xác định chất lượng của sản phẩm, nhưng cho đến nay vẫn còn thiếu liên kết và thiếu đồng bộ với các bộ ban ngành khác.
Dữ liệu quốc gia sẽ là nơi đẩy tất cả các đầu dữ liệu về liên ban ngành, thậm chí là liên quốc tế, nên giải pháp này chắc chắn sẽ tập trung hỗ trợ nhiều cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Từ đó, chúng ta có thể định danh vùng trồng, định danh vùng chăn nuôi; tiếp đến là định danh các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đang vận hành trong chuỗi cung ứng đó.
“Có thể trong giai đoạn đầu tiên, việc truy xuất nguồn gốc của toàn chuỗi sẽ chưa diễn ra ngay được nhưng bước định danh và xác thực cho từng đơn vị thì chúng ta có thể tiến hành ngay. Tôi tin rằng, chỉ 2 đến 3 năm tới riêng với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có các chuỗi nông sản tiêu biểu về hành trình nông nghiệp thông minh được cập nhật với các thông tin minh bạch, an toàn và tạo niềm tin cho người dùng” - ông Huy nói.