Không thể chống ngập bằng tư duy cũ
Một trận mưa, nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ bị chao đảo. khiến cho người dân phải băn khoăn với câu hỏi: Tại sao càng phát triển thì ngập lại càng sâu, rộng? Tương lai chống ngập thế nào?
Quy hoạch trễ, đô thị chật, kênh rạch hẹp
Gần đây, TP.HCM ghi nhận trận mưa lịch sử, lượng mưa đo được tại một số nơi ở TP Thủ Đức vượt ngưỡng 200mm, cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Hàng loạt tuyến đường như Quốc lộ 13, Võ Văn Ngân, Phạm Văn Đồng, Dương Văn Cam chìm trong nước. Cảnh tượng tương tự xảy ra tại Bình Dương và Đồng Nai, nhiều tuyến đường cũng ngập sâu, giao thông tê liệt, sinh hoạt đảo lộn.

Trận mưa "lịch sử" gần đây khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư của TP. HCM bị ngập sâu.
Những hình ảnh ngập sâu ấy, không chỉ phản ánh tình trạng thời tiết cực đoan, mà còn phơi bày rõ những bất cập kéo dài trong quy hoạch và quản lý hệ thống thoát nước tại các đô thị vùng Đông Nam Bộ.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Ngập úng hiện nay là kết quả tổng hợp của cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Biến đổi khí hậu khiến mưa lớn cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn, trong khi hệ thống thoát nước chỉ được thiết kế cho các trận mưa từ 30 - 70mm. Triều cường cũng gia tăng đáng kể, nếu như trước năm 1990 mực nước chỉ khoảng 1,57m thì nay đã có thời điểm lên đến 1,72m. Khi mưa lớn trùng với triều cường, hệ thống tiêu thoát hiện hữu hoàn toàn quá tải.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong nhiều năm qua đã làm giảm diện tích đất thấm nước. Trước đây, mặt đất tự nhiên có thể thấm đến 40–50% lượng nước mưa, nhưng hiện nay, do bê tông hóa, tỷ lệ này chỉ còn chưa tới 10%. Tình trạng san lấp ao hồ, lấn chiếm kênh rạch càng khiến hệ thống thoát nước bị tê liệt.
Một vấn đề then chốt là quy hoạch đô thị chậm thay đổi. Mới đây, sau trận mưa "lịch sử", TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060, trong đó đề cập hàng loạt giải pháp chống ngập phù hợp với điều kiện thực tế và kịch bản biến đổi khí hậu.
Theo đó, thành phố sẽ tính toán cao độ chống ngập cho khu vực ngoài đê dựa trên các tổ hợp xả lũ, triều cường, mưa lớn và nước biển dâng. Với các khu vực trong đê, sẽ thiết lập cao độ nền đảm bảo có khả năng trữ nước mưa khi triều lên, không thể tiêu thoát ra ngoài.
Đô thị hiện hữu giữ nguyên cao độ hiện trạng; chỉ điều chỉnh tại khu vực trũng thấp, các khu dân cư chưa cải tạo và các khu đô thị – công nghiệp mới.
TP đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% tuyến đường có hệ thống thoát nước mưa; đến năm 2040 đạt 100%. Đồng thời, thành phố sẽ bố trí hành lang xanh, hồ điều tiết trữ nước đạt 17% diện tích đô thị và chia hệ thống thoát nước thành 3 vùng chính, hướng ra các sông lớn như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp…
Trên thực tế, TP.HCM từng quy hoạch hơn 100 hồ điều tiết để phục vụ chống ngập, nhưng đến nay phần lớn vẫn chưa triển khai. Các dự án chống ngập quy mô lớn vẫn chưa thể hoàn thành do vướng cơ chế đầu tư. Dự án hệ thống thoát nước, chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn dang dở. Còn Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đã "hết hạn sử dụng" từ năm 2020. Bản quy hoạch mới vẫn đang được cập nhật.
Sau hơn hai thập niên, đô thị đã mở rộng theo cấp số nhân, trong khi hệ thống thoát nước vẫn rời rạc, nhiều kênh rạch tự nhiên bị thu hẹp, ô nhiễm hoặc lấn chiếm; các tuyến cống hiện hữu nhỏ, cũ kỹ, thiếu liên thông, thiếu năng lực ứng phó với lượng mưa ngày càng cực đoan.

Cùng cảnh với người dân TP. HCM, người dân ở TP. Dĩ An và nhiều nơi khác tại Bình Dương cũng khốn đốn vì mưa, ngập sâu.
Tại Bình Dương, dù nằm ở vùng cao hơn, nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với bê tông hóa và sự gia tăng dân số cơ học đã khiến lưu lượng nước mặt lớn và tập trung nhanh về vùng thấp, gây ngập cục bộ. Dự án nạo vét, gia cố suối Cái (5.892 tỷ đồng, dài gần 19km) được khởi công từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Tình trạng xả rác, lấn chiếm lòng suối và hệ thống cống rãnh không đồng bộ càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Đô thị học – Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, công tác quản lý đô thị cần được triển khai xuyên suốt từ khâu quy hoạch, xây dựng đến vận hành. Việc phối hợp liên ngành phải được thiết lập ngay từ đầu để tránh chồng chéo và đảm bảo kế hoạch chi tiết bám sát quy hoạch tổng thể. Các dự án chiến lược cần được ưu tiên thực hiện sớm nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai. Ngoài ra, các mô hình quản lý toàn diện về thoát nước và chất thải rắn cần được nghiên cứu áp dụng ở quy mô phù hợp. Để hiện thực hóa các định hướng chống ngập thì cần sự tham gia của cả chính quyền, nhà quy hoạch, doanh nghiệp và người dân.
Cần thay đổi tư duy
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là vùng kinh tế năng động bậc nhất cả nước, nhưng chưa có một quy hoạch liên vùng cho hệ thống tiêu thoát nước. Kênh tiêu, mương thoát nước tự nhiên bị chia cắt, quản lý manh mún, hoặc không thuộc trách nhiệm rõ ràng của bất kỳ đơn vị nào. Trong khi đó, việc san lấp ao hồ, xây dựng trên vùng trũng vẫn diễn ra thường xuyên mà thiếu các đánh giá tác động liên vùng.
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: Giải pháp chống ngập hiện nay cần thay đổi từ tư duy ứng phó sang tư duy quản trị rủi ro, thích ứng biến đổi khí hậu. TP.HCM cần tổ chức lại hệ thống thoát nước theo hướng chia nhỏ lưu vực, đầu tư hệ thống cống chính làm "xương sống" cho từng vùng, từ đó mới kết nối đến các khu dân cư, khu công nghiệp. Việc đầu tư phải đi kèm với bản đồ hóa toàn bộ nguy cơ, khu vực nào lún nền, khu vực nào mưa cực đoan, nơi nào thường xuyên ngập cục bộ… thì phải có phương án riêng.
Nước mưa không nên được xem là thứ cần loại bỏ, mà là tài nguyên cần giữ lại, sử dụng hợp lý. Đặc biệt, các khu vực phát triển mới như TP.Thủ Đức, các đô thị công nghiệp vùng ven nên là nơi áp dụng thí điểm các mô hình này.
Bên cạnh đó. TP.HCM cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu, điều hành phối hợp với các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh trong vận hành hồ thủy lợi, xả lũ, kiểm soát dòng chảy liên vùng. Cần tránh việc mỗi địa phương làm một kiểu, không có kết nối, khiến tình trạng ngập ngày càng phức tạp hơn, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trên thực tế, bài học từ hệ thống chống ngập Tokyo, Seoul hay Singapore cho thấy: thoát nước và chống ngập không thể tách rời quy hoạch không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và năng lực quản trị vùng. Việt Nam không thiếu chuyên gia, cũng không thiếu nguồn lực, nhưng đang thiếu sự liên kết thực chất và trách nhiệm điều phối giữa các tỉnh, thành phố có chung hệ thống môi sinh và lưu vực nước.
Theo ThS, KS. Nguyễn Bình Minh và ThS. Đoàn Diệp Thùy Dương (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM), Bình Dương cần tiếp cận theo ba nguyên tắc: quản lý đô thị toàn diện từ quy hoạch đến vận hành, thử nghiệm các mô hình tiên tiến, và tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân.
Họ đề xuất, Bình Dương nên nghiên cứu mô hình quản lý nước đô thị từ thành phố Yokohama (Nhật Bản), nơi đã triển khai những công trình kiểm soát lũ như đập Miyagase và sân vận động Nissan, đây là một tổ hợp đa chức năng vừa ngăn lũ, vừa phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý bùn thải và xây dựng hồ chứa nước mưa để điều tiết lũ, đó là những giải pháp mang tính bền vững cho tương lai.
Cuối cùng, vấn đề chống ngập không thể tách rời yếu tố con người và quản lý. Cần nâng cao kỷ luật trong xây dựng, xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng lấn chiếm kênh rạch, đồng thời tuyên truyền người dân không xả rác xuống cống rãnh. Vai trò của chính quyền là rất lớn, không chỉ trong đầu tư mà cả trong duy tu, giám sát, và quản lý vận hành hằng ngày.
Mỗi năm lại thêm những trận mưa "kỷ lục", thêm những dòng tin ngập tiếng thở dài của người dân. Nhưng nếu vẫn tiếp tục phát triển bằng cách bê tông hóa mọi khoảng trống, chậm trễ điều chỉnh quy hoạch, chia nhỏ trách nhiệm đầu tư và vận hành, thì người dân TP.HCM và vùng phụ cận sẽ còn phải "tát nước" đến bao giờ?
Đã đến lúc không thể chống ngập bằng những giải pháp rời rạc và tư duy cũ nữa.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/khong-the-chong-ngap-bang-tu-duy-cu-19225051423214261.htm