Không thể có nền nông nghiệp thịnh vượng nếu tài nguyên tiếp tục bị đe dọa, đất suy thoái, khí hậu tiếp tục nóng lên

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng...

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực- thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững”. (Ảnh: Tùng Đinh).

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực- thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững”. (Ảnh: Tùng Đinh).

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực- thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Chủ đề phiên thảo luận nhấn mạnh vai trò sống còn của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác đa bên, hợp tác công- tư trong kiến tạo tương lai bền vững, công bằng cho nhân loại.

KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU BẰNG CÁCH TẠO RA KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, chúng ta đang đứng trước những thách thức: biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đứt gãy do biến động địa chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, an ninh lương thực bị đe dọa, và khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, những nhóm dễ bị tổn thương nhất là nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp, thiên nhiên mong manh đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

"Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường nếu bỏ quên những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Chúng ta không thể đòi hỏi những quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên môi trường bền vững, nếu thế giới không chia sẻ công bằng trách nhiệm và lợi ích”, Bộ trưởng nói.

Trong bối cảnh đó, "Cách mạng Xanh 4.0" không đơn thuần là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu, một mệnh lệnh hành động. Đây là cuộc cách mạng kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, khí hậu tiếp tục nóng lên".

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, khí hậu tiếp tục nóng lên".

Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia.

Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

"Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, khí hậu tiếp tục nóng lên", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Để giải quyết những thách thức đó, Việt Nam đang từng bước thực hiện chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó xác định đổi mới sáng tạo, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 và một số Đề án như phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030…

Điều này đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người.

HỢP TÁC, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP XANH, THÔNG MINH, ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân.

Vì vậy chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.

Bộ trưởng đề nghị các đối tác chia sẻ chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt là giảm phát thải. Đây là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà nhiều quốc gia đang hướng tới.

Cùng với đó là vai trò của các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho người làm nông nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các bên là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của các chương trình chuyển đổi.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình và thực tiễn tốt từ các quốc gia trong phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho người dân. Những kinh nghiệm quý sẽ góp phần làm giàu thêm tư duy và hành động chung.

Tại phiên thảo luận, ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), cho rằng chủ đề “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0” không chỉ là lời kêu gọi đổi mới, mà còn là lời hiệu triệu hành động, thể hiện tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của Chính phủ trước những thách thức chưa từng có.

Theo ông Donal Brown, sản xuất nhiều hơn với ít tài nguyên hơn đang là bài toán cho nhiều quốc gia, trong đó, công nghệ là lời giải tối ưu nhất. Ứng dụng công nghệ sinh học có thể phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Những hệ thống quản lý nước và đất thông minh không chỉ giúp giảm thiểu tổn thất mà còn bảo vệ các hệ sinh thái. Ngoài ra, các chính sách cần bao trùm, để những nông dân sản xuất quy mô nhỏ không bị bỏ lại phía sau trên hành trình chuyển đổi.

Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế nhấn mạnh cần những chính sách đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển; cần cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ xanh, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đặc biệt, cần đưa tính bền vững trở thành trọng tâm trong mọi quyết định sản xuất nông nghiệp.

IFAD cam kết đồng hành cùng các chính phủ và các tổ chức đối tác để chuyển giao công nghệ, tri thức đến các vùng nông thôn, bảo đảm những sáng kiến đổi mới sẽ thực sự đến tay cộng đồng đang cần chúng nhất.

Đồng chủ trì phiên thảo luận, TS. Girma Amente, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia, đã chia sẻ kinh nghiệm vượt đói nghèo, từ quốc gia có nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nhà sản xuất lúa mì lớn nhất châu Phi.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị P4G tạo ra không gian để thế giới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và cùng nhau xây dựng tương lai bền vững. “Chúng ta cần có trách nhiệm nhân rộng công nghệ, kỹ thuật; chia sẻ các hoạt động đổi mới cũng như kinh nghiệm thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững”.

Sự đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm với tốc độ và quy mô theo nhu cầu của từng quốc gia.

Đối với thực phẩm, Ethiopia đã khởi động sáng kiến “Bounty of the Basket” tập trung vào các loại protein có nguồn gốc từ động vật, tập trung vào sữa, gia cầm, cá, mật ong và các sản phẩm thịt. “Sự đột phá trong sáng kiến là giải pháp biogas để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi. Nhờ đó, chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy sản lượng”, Bộ trưởng Ethiopia chia sẻ.

Các mục tiêu khí hậu của Ethiopia tập trung vào giảm phát thải, bảo tồn trữ lượng carbon rừng và thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu…

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, và nhu cầu lương thực ngày càng tăng, chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng xanh, số và bền vững không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, các chính sách quốc gia đang từng bước hoàn thiện để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược chuyển đổi số nông nghiệp, và các chương trình thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp carbon thấp…

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. TS.Thọ cho rằng cần hợp tác đa phương, chia sẻ tri thức, tài chính, công nghệ để cùng nhau vượt qua các rào cản về chi phí, năng lực và tiếp cận thị trường. Các tổ chức như FAO, IFAD, UNDP, ADB, GCF... đã và đang đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cho nông dân, thúc đẩy mô hình hợp tác công- tư trong nông nghiệp bền vững.

Từ thực tiễn tại các địa phương trong nước và nhiều quốc gia đã chứng kiến nhiều mô hình nông nghiệp xanh thành công. “Thành công trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cho thấy khi người nông dân được trao công cụ, kiến thức và niềm tin, họ là lực lượng tiên phong cho cuộc cách mạng nông nghiệp xanh”, TS.Thọ nhấn mạnh.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-the-co-nen-nong-nghiep-thinh-vuong-neu-tai-nguyen-tiep-tuc-bi-de-doa-dat-suy-thoai-khi-hau-tiep-tuc-nong-len.htm