Không thể 'dễ dãi' với thẻ tín dụng

Giống như việc các ngân hàng chạy đua bán bảo hiểm nhằm chạy chỉ tiêu cho nhân viên, bản thân ngành ngân hàng cần sớm xem xét lại việc mở và tiêu dùng thẻ tín dụng dễ dãi trong thời gian qua.

Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán hiện đại và nhiều tiện ích, nhưng thông tin đang dần đi sai lệch trên các mạng xã hội về cách dùng hình thanh toán này, sau vụ việc “đòi nợ” thẻ tín dụng 8,8 tỉ đồng của Eximbank.

Trên thực tế, cập nhật mới đây, lãnh đạo Eximbank cho biết con số này là của hệ thống và đây là cách giải quyết theo kiểu “máy móc” của đơn vị thu hồi nợ của ngân hàng. Thực tế chủ thẻ và ngân hàng thường sẽ giải quyết thông qua việc thỏa thuận với nhau.

Điểm tích cực là sau sự kiện này, nhiều người dân đã phải rà soát lại việc sử dụng thẻ của mình. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này lại có nhiều vấn đề lớn hơn là việc “quên” trả nợ rồi bị tính lãi cao, vốn rất phổ biến trong thời gian qua.

Thẻ tín dụng tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Thẻ tín dụng tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Vấn đề đầu tiên là việc mở thẻ tín dụng hiện nay quá dễ dãi. Mở thẻ ngày nay không khó như xưa, thậm chí cấp thẻ còn cấp theo kiểu tín chấp. Tất nhiên hạn mức ban đầu sẽ ở mức thấp, nhưng chỉ cần tiêu dùng có lịch sử trả nợ tốt, ngân hàng sẽ “hào phóng” nâng hạn mức lên cho bạn, thậm chí còn tự động nâng lên mà bạn không để ý.

Sự dễ dãi này một phần đến từ chính KPI của các nhân viên ngân hàng. Có không ít người vì cả nể bạn bè, người thân mà mở thẻ để“chạy chỉ tiêu”. Không ít trường hợp sau đó hủy thẻ, hoặc quên luôn và “tá hỏa” khi bị trừ phí thường niên lên cả triệu đồng sau một năm kích hoạt.

Tư vấn không đầy đủ cũng là một phần nguyên nhân câu chuyện. Không ít khách hàng “dễ dãi” mở thẻ từ những chương trình khuyến mãi cụ thể nào đó, ví dụ như mở thẻ lấy vé xem ca nhạc, mở thẻ lấy khuyến mãi nộp phí bảo hiểm… Kết thúc chương trình cũng là lúc mà chiếc thẻ không còn được sử dụng, nhân viên chào gói khuyến mãi cũng biến mất khi mà chủ thẻ hỏi vì sao lại tính phí thường niên cho thẻ của tôi?

Một trường hợp khác phổ biến hiện nay là việc các tổ chức tín dụng giao việc tìm kiếm khách hàng cho bên trung gian thứ ba. Chẳng hạn như mở thẻ qua ví điện tử, các đại lý thu thập dữ liệu người dùng mới và đăng ký để kiếm hoa hồng.

Năm ngoái, thị trường còn rộ lên câu chuyện một bưu điện ở miền Trung tự ý lấy thông tin cá nhân của người dân để mở tài khoản ngân hàng. Số tài khoản này bị hủy sau khi người dân phản ánh gay gắt, nhưng còn những hồ sơ lấy thông tin người khác để mở thẻ mà “chưa bị lộ” thì sẽ như thế nào?

Đó là chưa kể chất lượng thông tin người dùng mà các đại lý ngân hàng đưa về. Ai sẽ kiểm chứng thông tin này? Ngân hàng liệu có “mắt nhắm mắt mở” để tăng chỉ tiêu trong báo cáo?

Thẻ tín dụng quốc tế ngân hàng tăng rất nhanh trong giai đoạn qua. Nguồn: NHNN

Thẻ tín dụng quốc tế ngân hàng tăng rất nhanh trong giai đoạn qua. Nguồn: NHNN

Bên cạnh việc mở thẻ dễ dãi, câu chuyện sử dụng thẻ cũng còn rất nhiều việc phải bàn.

Có không ít người dùng vẫn chưa hiểu hết về khái niệm và cách dùng của thẻ tín dụng, đôi khi “quên” thanh toán đúng hạn, vô tình lộ thông tin thẻ… Thẻ tín dụng cũng dễ dẫn tới tình trạng “vung tay quá trán”, dễ mắc nợ nếu khách hàng không kiểm soát được chi tiêu của bản thân.

Cũng có những trường hợp người dùng có đến 5-6 thẻ ngân hàng khác nhau, dùng để “đảo nợ” vì ngày chốt sao kê của mỗi ngân hàng mỗi khác. Nói sử dụng thẻ tín dụng trong thời hạn là miễn phí, nhưng nhiều người lại mặc nhiên dùng để rút tiền mặt để chi tiêu, trong khi phí rút tiền có thể lên 3-5% tùy từng sản phẩm thẻ.

Mặt khác, một vấn đề nghiêm trọng hơn là tình trạng quẹt thẻ “khống” ở các máy POS. Rất nhiều trong số đó là hình thức giao dịch không phát sinh việc mua bán hàng hóa dịch vụ thực sự mà đơn thuần rút tiền mặt.

Có không ít quảng cáo trên mạng xã hội về hình thức rút tiền hoặc đáo hạn thẻ tín dụng dưới dạng này. Rồi thị trường cũng đã từng xuất hiện tình trạng “cho thuê” thẻ tín dụng để tận dụng hạn mức chưa sử dụng hết.

Số tiền trong thẻ tín dụng là của ngân hàng cho người tiêu dùng “mượn tạm” thời gian rất ngắn, cần phải trả lại ngay khi có thể. Mất số tiền này không chỉ người dùng thiệt thòi, mà còn là vấn đề chung của xã hội khi ngân hàng có nợ xấu.

Giống như việc các ngân hàng chạy đua bán bảo hiểm nhằm chạy chỉ tiêu cho nhân viên, bản thân các ngân hàng cần sớm xem xét lại việc mở thẻ tín dụng dễ dãi trong thời gian qua.

Cũng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nghiêm túc đánh giá lại thị trường thẻ, bao gồm cả thẻ ghi nợ chứ không chỉ thẻ tín dụng. Đây là điều cần làm ngay để có những giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn những hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.

Trên thực tế, một giải pháp đang được đẩy mạnh hiện nay là rà soát thông tin chủ tài khoản ngân hàng từ dữ liệu định danh. Số liệu cho thấy Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) đã hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng tính đến cuối năm 2023. Dù vậy, hoàn thành định danh chỉ mới là một phần câu chuyện, tăng cường nhận thức cho người dùng cuối cùng có ý nghĩa nhiều hơn vì họ có thể phòng, tránh được các nguy cơ lừa đảo.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khong-the-de-dai-voi-the-tin-dung/