Không thể giải mã những cơn giận dỗi của chồng

Từ hồi yêu nhau, Thục đã chứng kiến nhiều cơn giận dỗi vô cớ của anh. Cô từng rất sốc, rất đau khổ với những ý nghĩ tiêu cực: có thể anh ấy không còn yêu mình nữa, chắc sẽ chia tay, chẳng còn hy vọng gì nữa…

Nhưng rồi sau những đêm dài Thục khóc ròng, anh lại xuất hiện, lấp lánh và kỳ diệu như một phép màu. Cô cứ thế nhào tới ôm lấy anh, mọi sự khổ sở trước đó tự nhiên bé lại và biến mất. Với Thục, những trận cãi vã kiểu trẻ con ấy lại là thứ gia vị ngọt ngào cần có trong tình yêu. Cô “nghiện” nó đến mức cố tình chọc giận anh, khiến anh nổi cáu và… lại đòi chia tay.

Thục không nhớ 7 năm qua họ đã chia tay bao nhiêu lần, chỉ đến khi anh dắt tay cô tiến vào lễ đường, Thục mới dám tin anh thực sự là một nửa không thể tách rời. Cuộc sống vợ chồng rất khác so với thời 2 đứa chỉ hẹn hò giản đơn. Nhưng có lẽ cả Thục và anh đều không chuẩn bị kỹ càng cho sự khác biệt này. Họ bước vào hôn nhân với tâm thế là 2 kẻ đang yêu, và cũng chỉ biết đến tình yêu mà thôi. Nói đúng ra thì họ nghĩ hôn nhân là một cuộc hẹn hò dài bất tận. Nhưng cuộc sống không lãng mạn như bức tranh họ tự vẽ ra trong tâm trí.

Một ngày cuối tuần đẹp trời, Thục theo anh về nhà bố mẹ. Tính cách thân thiện, dễ gần của Thục khiến cô nhanh chóng hòa nhập với các anh chị em và các cháu trong nhà. Thục lăng xăng vào bếp, vừa nấu nướng vừa trò chuyện rôm rả với mọi người. Bữa ăn được dọn lên, đại gia đình quây quần bên nhau, thi thoảng trong lúc ăn, Thục lén nhìn trộm anh rồi mỉm cười hài lòng. Cô nghĩ, thì ra hôn nhân là vậy, hạnh phúc của 2 người hòa chung với niềm vui lớn của cả gia đình. Trong giây lát, Thục thấy mình thật may mắn vì được là một thành viên trong ngôi nhà ấm cúng này.

Mọi chuyện tưởng như rất hoàn hảo, nhưng buổi tối, khi 2 người đã về nhà riêng, anh bất ngờ hỏi Thục một câu với thái độ lạ lùng: “Khi nói ra những câu như vậy, em thấy vui lắm hả?”. Thục ngơ ngác: “Em nói gì? Sao anh lại hỏi em thế?”.

Thái độ của anh không giống như đang đùa vui chút nào: “Em đừng giả vờ, anh nghe thấy rất rõ, lúc chuẩn bị ăn cơm, em nói một câu rất… tệ với chị dâu”.

Thục cảm giác vô cùng ấm ức, như thể anh đang vô cớ buộc tội cô vậy: “Ơ, anh làm sao đấy? Em với chị dâu rất vui vẻ mà, lúc về chị ấy còn hẹn em mấy hôm nữa đi cà phê với chị”. Thục càng “cãi”, anh càng muốn nổi điên: “Em muốn anh nhắc lại câu nói ấy không? Rõ ràng em bảo: Chị Phương có đối thủ rồi nhé. Sau đó em còn cười mà. Em có biết, câu nói ấy rất… thâm không? Anh biết, khi em thấy chị Phương làm hỏng món canh, em đã ngầm so sánh chị ấy với cái Uyên. Ý em là cái Uyên nấu ăn cũng tệ như chị Phương… Anh thật không ngờ, tại sao em lại ác ý với cả 2 người như vậy. Họ đều là người trong nhà mà. Em thực sự làm anh thất vọng đấy, trước anh không nghĩ em sắc sảo đến vậy”.

Đầu Thục như muốn vỡ tung vì những lời buộc tội quá đáng của anh. Đúng là cô đã nói như vậy, nhưng không hề ác ý hay thâm thúy gì như anh nói. Một sự việc quá đơn giản lại bị anh trầm trọng hóa đến mức phải cãi nhau thế này thì đúng là không công bằng với cô. Nghĩ vậy, Thục gắt lên: “Tại sao anh cứ phải bắt bẻ em những chuyện như vậy? Ở bên em bao lâu, anh phải là người hiểu em nhất chứ. Em rất quý chị dâu và em gái anh, mọi người đều vui vẻ, không ai phản ứng gì với câu nói đùa của em cả”.

“Đùa thôi sao? Anh không nghĩ việc lôi nhược điểm của người khác ra là để đùa. Khi nói câu đó, em có nghĩ cho cảm giác của người khác không?”.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều lần 2 người cãi nhau, toàn những chuyện không đâu. Khi đã về chung một nhà, mỗi lần cãi vã, giận dỗi, cảm giác vô cùng nặng nề và mệt mỏi. Vì đi đâu cũng đụng mặt nhau, lại càng thấy đối phương thêm đáng ghét. Có lẽ vì thế mà gần đây, anh có thói quen bỏ đi đâu đó khi giận, không muốn nhìn thấy mặt vợ nữa.

Gần 23 giờ, chưa thấy anh về, Thục nghĩ, nếu lần này cô chịu nhún nhường, nhắn cho anh, giải thích rằng, lúc hất anh ra, cô không hề có ý gì cả, đó chỉ là cách cô muốn anh vui hơn mà thôi. Nhưng chắc chắn anh sẽ không chịu hiểu cho cô, lúc nào anh cũng tự gieo vào đầu những hình ảnh tiêu cực về cô. Chẳng hiểu anh đang nghĩ gì về cô nữa.

“Không được! Nếu mình nhún nhường, những lần tới anh sẽ lại tiếp tục quá đáng như vậy. Cần phải để anh tự hiểu ra vấn đề, cơn giận của anh không thể là thứ vũ khí đe dọa và khiến mình ngày nào cũng nơm nớp sợ hãi như vậy”. Ý nghĩ đó khiến Thục thấy nhẹ nhõm, bình thản hơn. Anh cần trưởng thành lên từ chính những cơn giận dỗi trẻ con của mình. Còn nếu anh không thể thay đổi, Thục cũng chẳng còn cách nào khác.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/khong-the-giai-ma-nhung-con-gian-doi-cua-chong-caEJbgaGR.html