Không thể 'nhắm mắt làm liều'
Tại buổi họp báo ngày 29-6, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố còn 25 công trình nhà chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động.
Trong đó có 6 chung cư ở TP Thủ Đức, 3 chung cư ở quận Tân Phú, 2 chung cư tại quận Bình Thạnh, 2 chung cư ở quận Bình Tân...
Đây thực sự là thông tin đáng quan tâm và không thể không lo ngại, nhất là sau vụ cháy chung cư Carina, quận 8 vào năm 2018 khiến 13 người thiệt mạng, gây xôn xao dư luận một thời. Hiện nay thỉnh thoảng ở một số chung cư cao tầng tại Hà Nội, Vinh, TP HCM vẫn xảy ra cháy nhỏ, lẻ và đều được dập tắt kịp thời, song cư dân đều chưa thể an tâm. Tại TP HCM hiện có trên 400 chung cư cao trên 10 tầng, hơn 500 chung cư dưới 10 tầng và hơn 390 công trình nhà cao tầng như văn phòng, chợ, trung tâm thương mại... Nhiều chung cư sau khi có Luật PCCC (năm 2001) nhưng không được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. Nhiều công trình không bảo đảm điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng.
Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm hành lang, lối đi cầu thang thoát nạn, câu mắc hệ thống điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn rất phổ biến, trong khi những vụ cháy nhà cao tầng, chung cư xảy ra gần đây chủ yếu do câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện không an toàn dẫn đến chạm, chập điện (chiếm 70% các vụ cháy).
Hiện trạng chung cư chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở cho thấy sự xem thường về an toàn PCCC. Đành rằng người dân bức xúc về chỗ ở, muốn sớm an cư và không có thông tin về an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư không thể nhắm mắt làm liều khi chưa bảo đảm an toàn PCCC cho nơi ở. Không khó hiểu chuyện chủ đầu tư chủ quan hoặc tránh né, chậm thực hiện các yêu cầu khắc phục về an toàn PCCC của cơ quan chức năng vì ngại tốn kém, không có kinh phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; hoặc cũng có thể nhà đầu tư do cần vốn làm ăn nên bất chấp, song lỡ có sự cố hỏa hoạn thì hậu quả cực kỳ nghiêm trọng mà vụ Carina là bài học nhãn tiền.
Tính mạng con người là vô giá nên trong trường hợp này, cơ quan chức năng không thể làm ngơ, nhất là trách nhiệm liên quan khi xảy ra sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cần thiết phải có biện pháp mạnh trong xử lý, chế tài, như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, nếu không chấp hành thì đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định. Đối với chủ đầu tư còn cố tình vi phạm các quy định pháp luật về PCCC, có khả năng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản thì tiến hành điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Một đô thị hiện đại phải luôn đặt yêu cầu về an toàn của đời sống cư dân lên cao nhất, mọi cơ quan, tổ chức, mọi cá nhân đều phải chấp hành quy định pháp luật về PCCC, trong đó ý thức tự giác của cư dân cũng rất quan trọng để cùng nhau xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/khong-the-nham-mat-lam-lieu-20230630222124083.htm