Không thể xuyên tạc sự thật
Lợi dụng thông tin Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tuyên truyền chống phá nhằm hạ uy tín Việt Nam.
Tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐNQ LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người, tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 HĐNQ LHQ ngày 26/2/2024 ở Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019.
Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố Việt Nam tái ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026-2028. Lợi dụng việc này các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tuyên truyền chống phá nhằm hạ uy tín Việt Nam.
Vẫn những luận điệu cũ rích
Ngay sau tuyên bố của đại diện Việt Nam, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội RFA, tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) đã tung ra các bài viết công kích tình hình nhân quyền Việt Nam. RFA đã lu loa “Việt Nam cần thả các tù nhân lương tâm nếu muốn tái cử vào Hội đồng Nhân quyền!”; khai thác phát biểu của Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS: “Thành tích nhân quyền của quốc gia này thật kinh khủng và tình trạng không gian dân sự ở nước này được CIVICUS Monitor đánh giá là “đóng”.
Nhân việc này, RFA đưa ra luận điệu vô căn cứ “Hơn 20 người bị kết án nhiều năm tù, đa số về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của con người như quyền biểu đạt và chia sẻ thông tin… Trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố “Việt tân” xuyên tạc “Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu thường niên năm 2024 của Tổ chức Freedom House, Việt Nam được xếp vào trong nhóm các quốc gia “Không có tự do” với chỉ 19/100 điểm…
Lợi dụng thông tin Việt Nam tái ứng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2026-2028, fanpage “News BBC Tiếng Việt” đăng bài xuyên tạc “làn sóng đàn áp mới khi Việt Nam vẫn muốn có ghế ở HĐNQ LHQ… Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ngày 5/3, đã có sự gia tăng đàn áp những người chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam giữa lúc chính phủ nước này vận động để có chân trong HĐNQ nhiệm kỳ tiếp theo”. Fanpage “Việt Tân” công kích “Chỉ vài ngày sau khi Việt Nam tuyên bố sẽ ứng cử thêm 1 nhiệm kỳ nữa trong HĐNQ thì Bộ Công an lại bắt thêm ba nhà bất đồng chính kiến”.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam bị chống phá khi ứng cử vào HĐNQ. Khi Việt Nam tuyên bố ứng cử nhiệm kỳ 2023-2025, các thành phần thiếu thiện chí với Việt Nam đã tức tốc bày các chiêu trò cản trở Việt Nam.
Dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, các tổ chức này ra sức vận động để tạo dựng “Phong trào hưởng ứng Luật Magnisky toàn cầu” hướng vào Việt Nam, lôi kéo, kích động quần chúng đòi tự do dân chủ, nhân quyền theo tiêu chí phương Tây.
Dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình tự do tôn giáo và tình hình nhân quyền do một số phần tử phản động ở trong nước, một số tổ chức phi chính phủ không thiện chí với Việt Nam, một số tổ chức phản động lưu vong chống phá Việt Nam, như: Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS; “Tin lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên”; Bộ Ngoại giao Mỹ định kỳ công bố các Báo cáo Nhân quyền, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có nhiều thông tin phiến diện, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam để công kích.
Dựa vào đó, các thế lực thù địch ra kêu gọi trên mạng xã hội đưa Việt Nam trở lại danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”, đòi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những người vi phạm pháp luật mà họ tự gọi là “tù nhân lương tâm”…
Thực tế đã minh chứng những thông tin sai lệch, bịa đặt không hạ thấp uy tín của Việt Nam. Tại cuộc bỏ phiếu ngày 11/10/2022 tại trụ sở LHQ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ứng viên rất quyết liệt, cộng đồng quốc tế lần thứ hai đặt niềm tin và lựa chọn Việt Nam cùng 13 quốc gia khác làm thành viên mới nhiệm kỳ 2023-2025.
Với 145/189 tức gần 80% tổng số phiếu bầu, Việt Nam đứng vào nhóm nước trúng cử với số phiếu cao nhất. Kết quả đó là minh chứng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực của Việt Nam trong hành trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Qua một năm thực hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định, như đánh giá của nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Gérard Daviot: “Việc Việt Nam được bầu làm thành viên HĐNQ là rất chính đáng, bởi Việt Nam đã vạch ra mục tiêu cho cả chặng đường và hiện thực hóa điều đó thành công; cần phải nhìn nhận rằng, đó là một sự công nhận của toàn thế giới”.
Không thể xuyên tạc sự thật
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới vào năm 1948 và là thành viên sáng lập của HĐNQ LHQ vào năm 2006.
Trong cuộc bầu cử thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN; đồng thời là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ, thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ LHQ, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của HĐNQ LHQ, phản ánh quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm của mình về các vấn đề quan trọng liên quan đến quyền con người, như bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người di cư; thúc đẩy quyền phát triển, quyền tham gia, quyền an sinh xã hội, quyền môi trường; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chuyển đổi số; đối thoại và hợp tác với các cơ quan quyền con người của LHQ, các cơ quan quốc tế và các quốc gia khác.
Việt Nam đã đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa ra và thúc đẩy các sáng kiến và nghị quyết quan trọng của HĐNQ LHQ, như Nghị quyết về quyền con người trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Nghị quyết về quyền con người và môi trường, Nghị quyết về quyền con người và chuyển đổi số, Nghị quyết về quyền con người và chính sách thuốc phiện.
Việt Na đồng chủ trì các sự kiện bên lề về các chủ đề như bảo vệ quyền con người trong thời đại số, bảo đảm quyền con người trong hoạt động doanh nghiệp, bảo vệ quyền con người trong các tình huống khẩn cấp nhân đạo…
Việt Nam tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Ngoài ra, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc tham gia Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ ba vào tháng 1/2024.
Việt Nam đã trình bày báo cáo quốc gia về tình hình quyền con người trong nước, nhận được nhiều lời khen ngợi và gợi ý từ các quốc gia khác; chấp nhận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị của UPR, thể hiện sự cởi mở, hợp tác và cam kết cải thiện quyền con người trong nước.
Việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người đã góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững. Việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người cũng là một trong những cách thức để Việt Nam thể hiện sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người của người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người cũng là một trong những động lực để Việt Nam tiếp tục cải cách, đổi mới và hoàn thiện pháp luật, chính sách và thực tiễn ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền của người dân.
Với việc không ngừng hoàn thiện pháp luật và xây dựng các chính sách đặt người dân vào trung tâm của phát triển, đã góp phần nâng cao đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ đó khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian qua, với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt được nhiều tiến bộ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ công cộng và các cơ hội phát triển, đã giúp Việt Nam thăng hạng ở nhiều chỉ số phát triển.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 46% thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo các tổ chức và chuyên gia quốc tế, đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển.
“Bất chấp những trở ngại toàn cầu, năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 3%. Chi tiêu an sinh xã hội tiếp tục được ưu tiên cao và duy trì ở mức gần 3% GDP trong nhiều năm. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và quyền tiếp cận lương thực cho hàng triệu người ở các khu vực trên thế giới”, là lời khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 của HĐNQ LHQ.
Thực tiễn về một môi trường hòa bình để phát triển, nơi người dân, doanh nghiệp được nhà nước bảo vệ bằng pháp luật và được đóng góp, cống hiến cho xã hội thì những thông tin xuyên tạc nêu trên chỉ là những luận điệu lạc lõng, không được cộng đồng quốc tế quan tâm. Những hành động can thiệp, áp đặt, đánh giá một chiều, định kiến, thiếu khách quan, thiếu tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong lĩnh vực quyền con người không bao giờ được hoan nghênh và cổ xúy.
Việc tái ứng cử làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2026-2028 là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của LHQ, cũng như của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Người dân có quyền tự hào và đặt niềm tin có cơ sở: Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của mình trong HĐNQ LHQ.
Trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ LHQ, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của HĐNQ LHQ, phản ánh quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm của mình về các vấn đề quan trọng liên quan đến quyền con người, như bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người di cư; thúc đẩy quyền phát triển, quyền tham gia, quyền an sinh xã hội, quyền môi trường; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chuyển đổi số; đối thoại và hợp tác với các cơ quan quyền con người của LHQ, các cơ quan quốc tế và các quốc gia khác.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-the-xuyen-tac-su-that-267890.html