Không thỏa mãn với kết quả xây dựng nông thôn mới
ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thời gian qua phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có xu hướng chững lại, ngay cả ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn. Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí đã có tư tưởng tự thỏa mãn khi được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.
Thực hiện chương trình NTM, đường giao thông bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) được bê tông hóa sạch sẽ.
Đến nay, toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 28 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, nhận thức của người dân thay đổi, xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nhưng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM mới đạt 18,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (thấp hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước: tính đến tháng 7/2021 là 64,63%). Cùng với đó, toàn tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao (hiện xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên mới đạt 13/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao). Toàn tỉnh còn 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM, gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Bên cạnh đó, chất lượng các xã đạt chuẩn còn thấp và chưa bền vững, xin nợ tiêu chí khi xét công nhận. Một số chỉ tiêu đạt thấp, như: Tiêu chí thu nhập có 24/115 xã đạt (chiếm 20,8%); hộ nghèo có 22 xã đạt (19%); tiêu chí môi trường có 47 xã đạt (40,8%)...
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân đến từ sự chủ quan. Thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện; việc ban hành các văn bản chỉ đạo còn chậm và chưa đầy đủ. Việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm của một số huyện còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ nội dung công việc đối với các xã đạt chuẩn, xã cơ bản đạt chuẩn và các xã còn lại. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thậm chí, đã có tư tưởng thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM nên phong trào có xu hướng chững lại; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư chưa được quan tâm nên nhiều công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; chưa chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí về nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, vệ sinh môi trường...
Thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn còn nợ 2 tiêu chí về: Cơ sở vật chất văn hóa và nhà ở dân cư. Sau gần 4 năm được công nhận đạt chuẩn, đến nay mặc dù địa phương đã dần khắc phục, hoàn thiện nhưng 2 tiêu chí này vẫn là rào cản trong việc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trên địa bàn xã và hướng đến xây dựng NTM nâng cao. Cụ thể, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, toàn xã mới đạt gần 90%. Trong khi đó, để tiêu chí này đạt chuẩn thì phải 100% các thôn, bản và liên thôn bản phải có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đối với tiêu chí về nhà ở dân cư, vẫn còn 37 nhà tạm, dột nát (chiếm 1,76%). Lý do được lãnh đạo UBND xã Thanh Xương cho biết là: Xã không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được nhưng thực tế để hoàn thành và nâng cao các tiêu chí NTM còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó một số hộ nằm trong quy hoạch trung tâm huyện lỵ Pú Tỉu, thời gian quy hoạch đã lâu nhưng một số hạng mục chưa được triển khai hoặc triển khai rất chậm. Do nằm trong khu vực quy hoạch nên người dân không được đầu tư làm đường, nhà văn hóa, nhà ở và đường nước sạch... Bên cạnh đó, một số bản nằm ngoài quy hoạch thì hiện nay thiếu quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là đến hết năm 2021, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 48 xã; phấn đấu xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; xét công nhận danh hiệu “thôn, bản NTM kiểu mẫu” từ 1 - 2 thôn, bản/xã tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; đối với 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn.
Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2021 và những năm tiếp theo, trước hết cần vận dụng tốt bài học kinh nghiệm được đúc kết qua hơn 10 năm triển khai thực hiện. Mỗi địa phương cần xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, là hành trình không có điểm dừng. Vì thế không được thỏa mãn với kết quả đạt được, mà cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM phải thực chất, không chạy theo thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí; có các kế hoạch, giải pháp cụ thể để duy trì, không ngừng nâng cao các tiêu chí đã đạt được để bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí và đạt chuẩn ngày càng cao trong xây dựng NTM. Cần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có sự điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp. Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các tập thể, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM.