Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người

Đó là chủ đề của Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người, diễn ra ngày 15/8 tại Tây Ninh, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức. Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên và người dân, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh: Lê Quân

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh: Lê Quân

Theo đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, tình hình tội phạm mua, bán người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức mới khó tiếp cận và ngăn chặn. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán; đồng thời, cũng là đối tượng phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng cho nhiều mục đích như: ép buộc lao động, buôn bán nội tạng, mại dâm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại tỉnh Tây Ninh, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị mua, bán từ công ty này sang công ty khác diễn biến phức tạp. Các đối tượng bị lừa bán còn có cả trẻ vị thành niên. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và khởi tố 3 vụ với 12 đối tượng và giải cứu 24 nạn nhân; đang thụ lý điều tra 2 vụ án mua bán người, với 17 bị can.

Trong năm 2023, BĐBP Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận từ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia 36 vụ/538 công dân Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Campuchia (đã tiếp nhận 14 vụ/ 34 người nghi là nạn nhân bị mua bán tự trở về khai báo; hỗ trợ giải cứu 1 vụ/2 nạn nhân bị cưỡng bức lao động; đấu tranh thành công 1 chuyên án mua bán người, bắt 6 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân). Đồng thời, qua làm việc, sàng lọc đã tiếp nhận 3 vụ/ 3 công dân (nghi nạn nhân bị mua bán) chuyển cho Công an các tỉnh Bình Thuận, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định.

Trong 8 tháng năm 2024, BĐBP Tây Ninh cũng đã tiếp nhận 22 vụ/408 công dân Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Campuchia, trong đó đã phối hợp với tổ chức Rồng Xanh giải cứu 4 nạn nhân bị mua bán ở Campuchia trở về; phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh đấu tranh thành công 1 chuyên án mua bán người, bắt 2 đối tượng, chuyển tuyến 3 nạn nhân để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ.

Thượng tá Nguyễn Minh Trí, Phó Phòng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Tây Ninh chia sẻ về tình hình tội phạm mua bán người. Ảnh: Lê Quân

Thượng tá Nguyễn Minh Trí, Phó Phòng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Tây Ninh chia sẻ về tình hình tội phạm mua bán người. Ảnh: Lê Quân

Tại chương trình, Thượng tá Nguyễn Minh Trí, Phó Phòng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Tây Ninh thông tin: Nạn nhân của mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế, do phải chịu những tổn thất về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian bị bóc lột, giam giữ, lạm dụng, tra tấn đánh đập; có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm; không có việc làm, thiếu định hướng trong cuộc sống... Việc hỗ trợ nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn, bất cập từ nhiều phía, trong đó có một phần từ chính nạn nhân và gia đình họ, do mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống cá nhân, nên nhiều nạn nhân thường không khai báo. Nhiều trường hợp khi được lực lượng chức năng giải cứu không có giấy tờ tùy thân, không khai báo thành khẩn, khó khăn trong việc xác minh, làm rõ. Nhiều nạn nhân không muốn tiết lộ thông tin cá nhân nên họ không đủ căn cứ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý, hoặc do tâm lý e ngại, hoảng sợ nên không hợp tác, gây khó khăn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cũng có những nạn nhân không biết mình là nạn nhân bị các đối tượng mua bán người đưa ra nước ngoài để chuyển giao, bán cho các công ty để cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục…, nên khó khăn trong công tác đấu tranh với đối tượng, hỗ trợ nạn nhân.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Với chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, Ban tổ chức mong muốn mỗi người dân, đặc biệt là các em học sinh, luôn là một tuyên truyền viên góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng, chống tội phạm mua bán người và di cư lao động an toàn.

Bên cạnh đó, với các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, phòng tránh bị lừa gạt.

Lao động người Việt Nam bị lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước ngày 9/7/2024. Qua sàng lọc, xác minh những người về nước lần này đã hé lộ đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Ảnh: Lê Quân

Lao động người Việt Nam bị lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước ngày 9/7/2024. Qua sàng lọc, xác minh những người về nước lần này đã hé lộ đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Ảnh: Lê Quân

Trong chương trình, thông qua hình thức sân khấu diễn đàn và tọa đàm đối thoại đã cung cấp thêm tới các đại biểu, hội viên, phụ nữ và các em học sinh những kiến thức về phòng, chống mua bán người; nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người trên không gian mạng. Qua đó, giúp các em học sinh nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi phạm tội mua bán người.

Theo đồng chí Trương Nhật Quang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh, cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng; quan tâm củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về phòng, chống tội phạm; tập trung làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện của tội phạm.

Lê Khoa - Lê Quân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-tre-em-nao-bi-bo-lai-phia-sau-trong-cuoc-chien-phong-chong-mua-ban-nguoi-post479534.html