Không về quê ăn Tết vì lo lắng dịch bệnh

Hơn nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ quyết định không về quê. Tình hình dịch bệnh cùng quy định cách ly dài ngày là lý do chính khiến họ phải chọn đón năm mới xa nhà.

Mỗi lần nghe bạn bè xung quanh bàn lịch về quê đón Tết, Lê Kim (27 tuổi), cửa hàng trưởng một siêu thị tại TP.HCM, có chút chạnh lòng.

Theo lịch, cô sẽ nghỉ Tết vào ngày 29/12 âm lịch. Công ty không cho phép nhân viên nghỉ sớm nên cô quyết định sẽ đón năm mới tại TP.HCM.

"Quê mình ở Bình Định, địa phương quy định người về từ TP.HCM sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Đặc thù công việc của mình sẽ rất bận rộn vào cuối năm nên công ty không thể cho mình về sớm. Nếu có về, mình cũng không thể đi đâu do phải cách ly dài ngày, nên quyết định ở lại, đăng ký làm vào ngày Tết để hưởng mức lương cao hơn", Kim chia sẻ cùng Zing.

 Trước thềm năm mới, các địa phương ban hành quy định khác nhau về việc cách ly, khiến người dân bối rối. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Trước thềm năm mới, các địa phương ban hành quy định khác nhau về việc cách ly, khiến người dân bối rối. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Ăn Tết xa nhà

Khi nghe con gái báo tin không về nhà ăn Tết, bố mẹ Kim khá buồn. Tuy nhiên, do đặc thù công việc của con, dịch bệnh cũng còn phức tạp, nên bố mẹ đã thông cảm, dặn dò cô giữ gìn sức khỏe.

Đây là lần đầu tiên không thể sum họp cùng gia đình trong dịp năm mới, Kim dự định đi chơi cùng một vài người bạn ở thành phố trong hai ngày nghỉ là mùng 1 và mùng 2 Tết.

 Do dịch bệnh, nhiều bạn trẻ đành phải ăn Tết xa nhà. Ảnh: Mai Bá Dương.

Do dịch bệnh, nhiều bạn trẻ đành phải ăn Tết xa nhà. Ảnh: Mai Bá Dương.

"Mình định đợi khi dịch bệnh được kiểm soát, các hạn chế phòng dịch được nới lỏng sẽ về cho thoải mái", Kim tâm sự thêm.

Dù khoảng 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, Nguyễn Thị Phượng (26 tuổi, Hà Nội) đã lên kế hoạch để đón cái Tết đầu tiên xa nhà.

Cận kề năm mới, Phượng bàng hoàng nhận tin mình trở thành F1, phải tự cách ly và theo dõi y tế tại căn hộ. Trong khi đó, quê nhà cô tại Hưng Yên cũng vừa ghi nhận một số ca nhiễm.

 Phượng xác định đón Tết xa nhà vì lo ngại dịch bệnh.

Phượng xác định đón Tết xa nhà vì lo ngại dịch bệnh.

Lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến gia đình, Phượng quyết định xin phép bố mẹ để ăn Tết tại Thủ đô.

"Mình là con gái lớn trong nhà, mọi năm đều nhận nhiệm vụ mua đồ Tết và sắp xếp nhà cửa. Năm nay, không được về nhà, mình có chút tiếc nuối và tủi thân trong lòng", cô chia sẻ.

Ở quê nhà, cha mẹ Phượng cũng đang rất buồn, xen lẫn đó là tâm trạng lo lắng và sốt ruột về tình hình dịch bệnh.

Mỗi tối, các thành viên trong gia đình đều gọi điện để hỏi han về cuộc sống, động viên nhau giữ gìn sức khỏe.

Ăn Tết muộn

Không thể về quê, Phượng đã có dự tính ăn Tết tại nhà một người bác cùng ở Hà Nội. Theo cô, ăn Tết ở thành phố chắc chắn không thể ấm áp, nhiều tiếng cười như ở quê.

Cô hy vọng khi ra Tết, nếu tình hình sức khỏe ổn định, cô sẽ về thăm nhà để ăn Tết muộn và tự thưởng cho mình những chuyến du lịch gần.

"Bố mẹ mình dặn dò trong lúc dịch bệnh thế này nên đặt sức khỏe lên hàng đầu. Mình mong dịch bệnh sớm chấm dứt để không bao giờ phải ăn Tết xa nhà như thế này nữa", Phượng thở dài.

Còn đối với Ngô Quang Hải (28 tuổi), những cái Tết một mình tại TP.HCM đã trở nên quen thuộc.

 Hải đã quen với những cái Tết một mình tại TP.HCM.

Hải đã quen với những cái Tết một mình tại TP.HCM.

Do đặc thù công việc phải trực Tết tại công ty, 3 năm qua, Hải đều đón giao thừa xa nhà hàng trăm cây số. Năm nay, thêm yếu tố dịch bệnh, chàng trai quê Đà Nẵng lại tiếp tục lên kế hoạch chào năm mới một mình với máy tính và hàng xấp bản thảo.

"Nhiều người ở quê vẫn khá e dè với những người về ăn Tết, việc chúc Tết hay thăm bà con họ hàng do đó cũng trở nên bất tiện và khó xử. Mình không muốn vấp phải những tình huống không vui trong những ngày đầu năm nên chọn đón năm mới ở thành phố", Hải chia sẻ cùng Zing.

Không còn lạ lẫm với những đêm Giao thừa ngồi tại bàn làm việc, một mình xem chương trình Táo Quân, nhưng Hải vẫn không khỏi buồn bã khi nghĩ đến cảnh cô đơn vào dịp năm mới sắp đến.

 Năm nay, do yếu tố dịch bệnh, nhiều người chấp nhận ăn Tết một mình, qua lễ mới về thăm nhà.

Năm nay, do yếu tố dịch bệnh, nhiều người chấp nhận ăn Tết một mình, qua lễ mới về thăm nhà.

Anh dự định sau Tết khoảng nửa tháng, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, anh sẽ về thăm nhà như truyền thống của nhiều năm qua.

"Năm nào mình cũng về nhà ăn Tết muộn vào khoảng Rằm tháng Giêng, vẫn thấy rất vui và ấm cúng. Nhưng đó là cảm nhận của riêng mình thôi. Mình vẫn khuyên bạn bè nếu có điều kiện và không vướng bận công việc thì nên về thăm gia đình vào dịp Tết vì đã 'cày' cả năm rồi", Hải nói.

Theo Hải, anh không thạo việc bếp núc, cũng ngại bày biện ăn uống một mình, do vậy dịp Tết chủ yếu đều đi ăn ở hàng quán hoặc mua một vài thực phẩm chế biến sẵn như bánh chưng, chả giò tại siêu thị.

Ngoài ra, anh cũng tranh thủ những ngày TP.HCM vắng vẻ để dạo quanh phố xá, tận hưởng không khí mát mẻ, thoáng đãng của thành phố mà anh đã gắn bó đến 10 năm dài.

"Tết ở Sài Gòn hàng quán không mở nhiều, nhưng cũng không khó để tìm một chỗ ngồi lại, ăn một chút rồi ra về. Vốn là người thích độc lập, tôi coi dịp Tết như cơ hội để mình trải nghiệm một Sài Gòn lạ lẫm", Hải cho hay.

Thục Hạnh - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-ve-que-an-tet-vi-lo-lang-dich-benh-post1289368.html