Không xem nhẹ bất thường tâm lý tuổi vị thành niên

Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường khiến trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Phụ huynh không nên xem nhẹ những bất thường tâm lý ở trẻ trong giai đoạn này.

Thăm khám trẻ gặp vấn đề tâm lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC.

Thăm khám trẻ gặp vấn đề tâm lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC.

Nam bệnh nhi (13 tuổi) được gia đình đưa đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vì có những biểu hiện nghi rối loạn tâm thần. Theo lời kể của người thân gần đây, trẻ thường xuyên lo lắng nhiều chuyện trong cuộc sống và học tập, luôn lo lắng bản thân mình học kém sẽ ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Khi ra đường, trẻ luôn sợ bị tai nạn. Ngoài ra, bệnh nhi thường hay có biểu hiện đi ra cửa kiểm tra nhiều lần xem đóng chưa, hoặc cầm một đồ vật phải nhấc lên nhấc xuống rồi mới cầm... Ban đầu gia đình nghĩ con cẩn thận, nhưng khi các biểu hiện trên lặp đi, lặp lại nhiều lần trong thời gian dài nên đã đưa đi khám. Ngoài những biểu hiện trên, nam sinh này còn xuất hiện các triệu chứng như bị run tay chân, hồi hộp, trống ngực.

Sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần chẩn đoán, bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn nghi thức và có chỉ định điều trị. Thực tế, số liệu từ Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, các bệnh lý về rối loạn tâm thần, lo âu, trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ vị thành niên.

BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, mỗi ngày, có đến 50% số bệnh nhi đến khám sức khỏe tâm thần được chẩn đoán mắc các vấn đề cảm xúc, trong đó có các rối loạn lo âu.

TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) lý giải, ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên.

TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng cho rằng, nếu cha mẹ không nắm bắt được kiến thức về tâm lý lứa tuổi này thì sẽ rất khó thấu hiểu các con. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường trong tâm lý trẻ vị thành niên sẽ giúp ngăn chặn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống sau này của trẻ.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, các bất thường tâm lý ở trẻ vị thành niên có thể biểu hiện bởi một số hoặc bao gồm tất cả các triệu chứng như trẻ thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày, rối loạn giấc ngủ, hay phàn nàn về bản thân, ngại giao tiếp, thu mình, ít tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể có các biểu hiện như ăn uống kém, tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ, kết quả học tập sa sút, khó tập trung học hành… “Nếu những biểu hiện này kéo dài trên 2 tuần và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời” - BS Loan khuyến cáo.

TS.BS Ngô Anh Vinh nhận định, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con. Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến.

“Cha mẹ là những người thân yêu nhất của con, luôn bên con, cùng con từng bước trưởng thành, nhưng không vì thế mà cha mẹ nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, hãy làm người bạn đồng hành của con, quan tâm con đúng mực, mang lại cho con sự tin tưởng để con có thể sẻ chia, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh gia đình thì nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Các trường học nên có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, tư vấn, giúp đỡ trẻ vị thành niên khi các em gặp vướng mắc trong cuộc sống” – BS Vinh khuyến cáo.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-xem-nhe-bat-thuong-tam-ly-tuoi-vi-thanh-nien-10292774.html