Khu công nghiệp Aurora IP trong bước tiến nâng cao vị thế Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu

Chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Dệt may hiện là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai cả nước. Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định, ngành dệt may Việt Nam còn tồn tại nút thắt tại khâu sản xuất vải, chủ yếu do thiếu hạ tầng cơ sở tiếp nhận phân khúc dệt nhuộm, khiến cấu trúc ngành thiếu bền vững.

Ngay tại Nam Định - cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, sản xuất may mặc chủ yếu vẫn ở phân khúc gia công, giá trị gia tăng thấp. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng các sản phẩm dệt may của Nam Định có sự tăng trưởng từ 5 - 26%, xuất khẩu may mặc tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm phục vụ xuất khẩu, khâu sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài và các tỉnh khác.

Ngành dệt may Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn cần nỗ lực mạnh mẽ để làm chủ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào, nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, yêu cầu cấp thiết chính là phát triển các khu công nghiệp đủ mạnh theo hướng sinh thái, bền vững cho ngành dệt may.

Tập thể lãnh đạo Cát Tường Group cắt băng khánh thành hệ thống CTe AQUA

Tập thể lãnh đạo Cát Tường Group cắt băng khánh thành hệ thống CTe AQUA

Nắm bắt xu thế này, Cát Tường Group đã tiên phong phát triển Aurora IP - mô hình khu công nghiệp đô thị sinh thái chuyên sâu về dệt nhuộm đầu tiên tại tỉnh Nam Định. Nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ rộng 14.000 ha, Aurora IP sở hữu vị trí chiến lược kết nối với hầu khắp các tuyến đường thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Aurora IP được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế đến thi công, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy trình dệt nhuộm. Điển hình, hệ thống xử lý nước thải ứng dụng công nghệ tiên tiến với công suất 110.000 m3/ngày đêm. Cùng với đó, ngày 06/01/2023 vừa qua, công trình cấp nước trạm bơm - tuyến ống CTe AQUA đã chính thức được kích hoạt vận hành với tổng công suất lên tới 170.000m3/ngày đêm, đảm bảo nhu cầu sản xuất cho toàn khu công nghiệp. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng các cấu phần hạ tầng của Aurora IP, phục vụ mục tiêu nội địa hóa 1 tỷ mét vải mỗi năm của Cát Tường Group.

Hướng tới hệ sinh thái công nghiệp bền vững, Aurora IP xây dựng 17km hệ thống kênh đào kết hợp với rừng ngập mặn bao quanh khu công nghiệp. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ để giảm thiểu tác động của khâu sản xuất lên môi trường. Aurora IP cũng tích cực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, mang đến những ưu đãi hấp dẫn và cam kết lâu dài, đảm bảo môi trường sống và làm việc thuận lợi, tiện nghi cho các chuyên gia và công nhân viên gắn bó với khu công nghiệp.

Thời gian qua, Aurora IP đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà đầu tư và người dân địa phương, trở thành điểm sáng hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI cho ngành dệt nhuộm công nghệ cao của tỉnh Nam Định. Aurora IP đã ký kết thành công các dự án quy mô lớn với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan...

Bên trong trạm bơm CTe AQUA

Bên trong trạm bơm CTe AQUA

Trong năm 2022, Aurora IP nhận được sự chú ý của nhiều kênh truyền thông hàng đầu thế giới. Bloomberg, Market Insider, Yahoo Finance… đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Aurora IP và tin tưởng khu công nghiệp sẽ góp phần nâng cao vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Aurora IP đã và đang chứng minh được sức hút và giá trị cốt lõi của mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ thông minh - sinh thái chuyên sâu về dệt nhuộm. Định hướng của Aurora IP phù hợp với “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” (Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022). Theo đó, phấn đầu đến năm 2035, ngành dệt may Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Cát Tường Group cho biết: “Tự hào là nhà đầu tư tiên phong trong xu hướng kiến tạo khu công nghiệp xanh, Cát Tường Group luôn kiên định với sứ mệnh đặt nền móng phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam. Trong thời gian tới, Aurora IP sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn trong khâu dệt nhuộm; từ đó phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào bền vững cho ngành dệt may. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các nhà đầu tư có tầm nhìn xanh trong nước và quốc tế để cùng chung tay xây dựng ngành công nghiệp dệt may bền vững toàn cầu”.

N.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-cong-nghiep-aurora-ip-trong-buoc-tien-nang-cao-vi-the-viet-nam-tren-chuoi-gia-tri-toan-cau-d181973.html