Khu công nghiệp, khu chế xuất: Làm tổ đón 'đại bàng'
Để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là dự án FDI lớn, chất lượng cao, cần có giải pháp cải thiện về hạ tầng
Những điểm yếu
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 335 khu công nghiệp, với tổng diện tích 97,84 nghìn ha. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD và 1.387 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thu hút được những tập đoàn lớn trên thế giới. Đến nay, các nhà đầu tư tại khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam chủ yếu là từ các nước: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Lý giải nguyên nhân Việt Nam có lợi thế về đất đai, nguồn nhân công dồi dào song vẫn không thu hút được những nhà đầu tư lớn trên thế giới, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm; thiếu dịch vụ hiện đại. Đồng thời, chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu "sức sống" trong các khu công nghiệp. Cùng với đó, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng nên không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, các vấn đề về thông tin đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè.
Xây dựng hệ sinh thái đồng bộ
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Công ty Cổ phần Long Hậu - cho rằng, có 3 vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất khi muốn đầu tư tại Việt Nam là địa điểm, hạ tầng logistics, thời gian và giá thuê. Các dịch vụ và tiện ích chính là yếu tố thu hút và giữ chân nhà đầu tư cũng như người lao động làm việc lâu dài trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. "Để duy trì vị thế là các "vùng trũng" thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần có những cải cách thể chế nhiều hơn, đặc biệt là có giải pháp nâng cấp dịch vụ trong các khu để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư"- ông Bùi Lê Anh Hiếu nêu.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho hay, nhìn vào các nước có thể thấy, những khu công nghiệp lớn trên thế giới đều có khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Điển hình như khu công nghiệp SHXIP ở Thượng Hải có vị trí thuận lợi trong kết nối quốc tế (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt…). Do đó, ở đây có tới 50% nhà đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Khu công nghiệp này có 26 trường đại học, có 3 trường phổ thông trung học quốc tế, có 3 khách sạn quốc tế hạng sang, hệ thống giao thông kết nối hiện đại…
"Do đó, chúng ta cần những nhà đầu tư lớn để xây dựng các khu công nghiệp có quy mô tầm cỡ, có đầy đủ nguyên phụ liệu, hạ tầng logistics hiện đại" - GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Các dịch vụ và tiện ích chính là yếu tố thu hút, giữ chân nhà đầu tư cũng như người lao động làm việc lâu dài trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hà Duyên