Khu công nghiệp truyền thống đã 'lỗi thời' và đứng trước 'vận mệnh' phải thay đổi

Việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các khu công nghiệp tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp 'truyền thống'

Mô hình khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam ra đời từ năm 1991 trên cơ sở đường lối "Đổi mới" của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Qua các thời kỳ, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN liên tục được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trong từng giai đoạn.

 Bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Việt Vũ)

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Việt Vũ)

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha.

Trong đó, có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Goertek, Hyosung, Formosa…

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Các KCN, KTT đã và đang đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh.

Trước thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng KCN theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là phát triển các KCX, KCN sinh thái, KCN xanh, dựa trên quản lý tiên tiến; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung; đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đặc điểm chung của các nước trong áp dụng mô hình này là việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn, gắn với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp để chuyển đổi các KCN theo mô hình truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, từ đó mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, xã hội cho các doanh nghiệp và các KCN.

Lợi ích từ việc chuyển đổi sang KCN sinh thái

Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng đã thí điểm chuyển đổi một số KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm, bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1, 2 tại Cần Thơ.

 KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Việt Vũ)

KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Việt Vũ)

Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm.

Từ năm 2020 đến 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.

Tính đến hết tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 04 KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng) và Hòa Khánh (Đà Nẵng), trong đó 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cũng đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 03 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế Vương Thị Minh Hiếu cho rằng: Việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam, điển hình như KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) của Công ty cổ phần Shinec.

Nhà đầu tư đã sử dụng nguồn vốn của mình để tự triển khai mô hình KCN sinh thái. KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Có thể nói, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

“KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững”, bà Hiếu nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-cong-nghiep-truyen-thong-da-loi-thoi-va-dung-truoc-van-menh-phai-thay-doi-post308769.html