Khu di chỉ Vườn Chuối phải khai quật, di dời: Bài học đắt giá cho công tác bảo tồn di sản

Việc một khu di chỉ 'siêu quý hiếm' với tuổi đời hàng ngàn năm phải di dời để nhường chỗ cho một dự án xây dựng hạ tầng khiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học ngậm ngùi nuối tiếc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khu di chỉ Vườn Chuối vẫn giữ lại được một phần cũng là điều may mắn.

Thêm bằng chứng về nền văn minh Việt cổ

Theo tài liệu của các nhà khoa học, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trải rộng trên diện tích khoảng 1,2 ha thuộc địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969, đến nay đã có hơn 10 cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu đến Gò Mun rồi Đông Sơn.

Chính vì chứa đựng tới ba tầng văn hóa, cho nên tại Vườn Chuối phát lộ những di vật hết sức đặc biệt. Các lần khai quật gần nhất trong hai năm 2019 - 2020, đã phát hiện ra nhiều hiện vật, tư liệu mang dấu tích về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt cổ. Riêng hai lần khai quật này đã phát lộ 15 ngôi mộ táng Đông Sơn, trong đó có 13 mộ huyệt đất và 2 mộ gốm. Cùng với đó là dấu tích khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. Các nhà khoa học cũng thu được hơn 600 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và hàng vạn mảnh gốm.

 Hố khai quật khu di chỉ Vườn Chuối năm 2019, phát hiện nhiều mộ táng.

Hố khai quật khu di chỉ Vườn Chuối năm 2019, phát hiện nhiều mộ táng.

Những di tích, di vật tìm thấy trong các đợt khai quật tại di chỉ Vườn Chuối cho thấy cư dân Việt cổ đã nắm vững và có trình độ cao trong những nghề chế tác đồ đá, đồ gốm, gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Vết tích của nghề chài lưới, bắt cá được tìm thấy qua các viên chì lưới bằng đất nung và lưỡi câu đồng…

Một số nhà khoa học cho rằng, Vườn Chuối là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng nhất của Việt Nam, nó chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý hiếm với niên đại sớm, đem tới những thông điệp về di sản hàng ngàn năm của cha ông. PGS.TS. Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, Vườn Chuối là di chỉ “siêu quý hiếm” do chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đây cũng chính là di chỉ đánh dấu một trung tâm quần cư, trung tâm văn hóa ở khu vực phía Tây Hà Nội cách đây ít nhất từ 2.000 - 3.500 năm.

 Hàng trăm hiện vật bằng đồng, bằng đá và gốm do ông Nguyễn Văn Hùng ở làng Lai Xá sưu tầm, hiện đang trưng bày tại nhà riêng.

Hàng trăm hiện vật bằng đồng, bằng đá và gốm do ông Nguyễn Văn Hùng ở làng Lai Xá sưu tầm, hiện đang trưng bày tại nhà riêng.

Còn theo TS. Bùi Hữu Tiến (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội), trong bản đồ khảo cổ học tiền Sơ sử ở miền Bắc Việt Nam, hiếm có một cụm di tích như Vườn Chuối. So sánh với các di tích khảo cổ học đã được xếp hạng như Đồng Đậu (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2000), Cổ Loa (được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012), TS. Bùi Hữu Tiến cho rằng, phức hệ di tích Vườn Chuối xứng đáng được xếp hạng di tích cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt.

Còn đó những tiếc nuối

Với những giá trị quý báu đó, đáng lẽ Vườn Chuối phải được quan tâm, có những biện pháp bảo tồn phù hợp. Nhưng thực tế là từ khi được phát hiện cho đến gần đây, trừ những cuộc khai quật khảo cổ lâu lâu mới có một lần, khu di chỉ này hầu như bị lãng quên.

Người dân Lai Xá kể lại, những năm 1980 - 1990, họ đi làm đồng, đi bắt cá ở khu vực này thường xuyên nhặt được những đồ vật cổ như mũi tên, giáo mác bằng đồng, vòng đá, đồ sành sứ… Chỉ một số rất nhỏ được họ bảo quản, lưu giữ; số lượng lớn còn lại đều thất lạc hoặc bán cho những người buôn đồ cổ. Cũng vì không có người trông coi, quản lý, rất nhiều kẻ trộm mộ đã “để mắt” tới Vườn Chuối. Có lẽ không ai thống kê được trong hàng chục năm qua, tại đây đã có bao nhiêu vụ đào trộm cổ vật. Thậm chí, tình trạng đào bới tìm cổ vật trái phép ở Vườn Chuối vẫn còn diễn ra ngay cả trong những năm gần đây.

 Một góc khu trưng bày hiện vật của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng một trong những người dân đang nỗ lực bảo tồn những di sản còn lại của khu di chỉ Vườn Chuối.

Một góc khu trưng bày hiện vật của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng một trong những người dân đang nỗ lực bảo tồn những di sản còn lại của khu di chỉ Vườn Chuối.

Đáng buồn hơn, năm 2019, khi một đơn vị cho máy xúc, máy ủi vào san gạt vùng lõi của khu di chỉ thì rất nhiều người mới “tá hỏa” khi biết rằng Vườn Chuối nằm trong quy hoạch xây dựng đường 3.5. Dư luận lên tiếng nhưng đã muộn, các gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn đã “cơ bản” bị cày xới, san ủi.

Chứng kiến cảnh tượng đó, các nhà khoa học xót xa vì những gì quý giá mất đi mà không thể phục hồi. Và cũng đến tận lúc này, cơ quan chức năng của TP. Hà Nội mới có văn bản yêu cầu ngừng thi công để xử lý theo Luật Di sản văn hóa. Rồi sau rất nhiều đắn đo, cân nhắc, các bên cũng “chốt” được phương án cho Vườn Chuối. Theo đó, 6.000 m2 khu vực phía Tây thực hiện khai quật di dời di tích, di vật; khu vực phía Đông diện tích khoảng 6.000 m2 được giữ nguyên...

Việc thống nhất được phương án bảo tồn khu vực phía Đông của khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối khiến các nhà khoa học khá mừng vui vì một phần di sản sẽ được giữ gìn. Một cán bộ đại diện cho UBND huyện Hoài Đức (chủ đầu tư dự án) cũng cho rằng, đây là phương án “hài hòa” giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản; nó nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía, không chỉ các nhà khoa học mà nhân dân địa phương cũng ủng hộ.

Tuy nhiên, việc chỉ bảo tồn được “một nửa” khu di chỉ cũng mang lại nhiều nuối tiếc. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết, với tư cách là người con của quê hương Lai Xá và là một nhà khoa học, ông cảm thấy “rất là tiếc” khi đã không giữ được tất cả hoặc giữ lại được phần lớn khu di chỉ này. Ông cũng cho rằng, nếu như được xếp hạng di tích thì Vườn Chuối sẽ được khoanh vùng với vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2… Lúc đó các nhà khoa học sẽ có cơ sở để bảo vệ di tích tốt hơn.

“Trong các quy hoạch xây dựng không ai nghĩ đến di chỉ Vườn Chuối mặc dù chúng ta đã khai quật rất nhiều lần. Vấn đề là Vườn Chuối đã phát lộ từ rất lâu và báo chí cũng liên tục đề cập tới mà vẫn bị lãng quên, vậy nguyên nhân ở đâu? Tôi cho rằng nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý văn hóa không quan tâm thực sự. Không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp, mà trước hết các cơ quan quản lý văn hóa phải nhận thức được đây là những giá trị vô cùng quý. Đáng lẽ sau khi khai quật xong, các nhà khảo cổ và những người quản lý văn hóa phải làm những thủ tục để công nhận các di chỉ khảo cổ thành các di tích lịch sử, văn hóa. Nếu như chúng ta sớm công nhận những di tích đó, thì việc bảo tồn sẽ có cơ sở pháp lý mạnh mẽ” - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhận định.

Trong thực tế, trước đây đã có những dự án xây dựng hạ tầng triển khai nhưng lại chồng lấn vào di tích, trong đó không ít trường hợp di tích phát lộ từ lâu nhưng cơ quan chức năng không xây dựng hồ sơ, khoanh vùng bảo vệ… Thống kê của Viện Khảo cổ cho thấy có đến 90% các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị xóa sổ vì không được quy hoạch bảo vệ; hơn 50% di tích Đông Sơn (Thanh Hóa) hay mộ táng Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng mất đi vì lý do tương tự. Vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng, câu chuyện xảy ra với Vườn Chuối tiếp tục là bài học đắt giá cho công tác bảo tồn di sản.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-di-chi-vuon-chuoi-phai-khai-quat-di-doi-bai-hoc-dat-gia-cho-cong-tac-bao-ton-di-san-post298214.html