Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng: Nơi lưu giữ và khẳng định niềm tin của dân đối với Đảng

Nằm trong khu rừng tràm Mỹ Phước, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng có diện tích 281 ha là nơi ghi dấu những chiến tích và tinh thần cách mạng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân dân tỉnh Sóc Trăng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc.

Tìm về lịch sử hào hùng

Trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, lực lượng cách mạng tạm thời rút về các vùng nông thôn hẻo lánh, có địa hình hiểm trở, làm chỗ dựa vững chắc để củng cố lực lượng.

Đền tưởng niệm tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Đền tưởng niệm tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chọn rừng tràm Mỹ Phước (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú) là một trong những nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng để kháng chiến lâu dài.

Nơi đây có địa hình hiểm trở, thuận tiện ngụy trang, che giấu lực lượng kháng chiến từ cơ quan lãnh đạo đến các đơn vị vũ trang, đồng thời tạo điều kiện để lực lượng kháng chiến tổ chức phòng thủ, cũng như thiết lập thế trận tiến công tiêu diệt địch.

Với địa thế hiểm yếu, nhiều kênh rạch chằng chịt nên rất thuận lợi để xây dựng căn cứ cách mạng, tiến thoái dễ dàng, rất phù hợp cho việc phát triển chiến tranh du kích.

Năm 1946, công binh xưởng Sóc Trăng ra đời tại rừng tràm Mỹ Phước. Với hơn 20 tay thợ được quy tụ từ các lò rèn, công binh xưởng Sóc Trăng đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí thô sơ như phi tiêu, giáo, mác, các loại chông gài... sẵn sàng chống giặc.

Sau khi Pháp rút quân, Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam, tại rừng tràm Mỹ Phước, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị và có nhiều nghị quyết quan trọng để lãnh đạo quân và dân Sóc Trăng đoàn kết chiến đấu, cùng với cả nước đánh bại hoàn toàn các chiến lược của Mỹ.

Thế hệ trẻ thành kính thắp hương tại Đền tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh

Thế hệ trẻ thành kính thắp hương tại Đền tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh

Đầu năm 1973, Hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, nhưng với bản chất xâm lược, đế quốc Mỹ vẫn bám lấy Đông Dương, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ra sức phá hoại Hiệp định Paris. Cuộc chiến lại tiếp tục diễn ra quyết liệt, gian khổ hơn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điểm đến giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Rừng tràm Mỹ Phước, căn cứ địa của Tỉnh ủy Sóc Trăng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào năm 1992.

Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã trùng tu và xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình tưởng niệm tại Khu di tích. Trong đó đền tưởng niệm ghi danh hơn 14.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Nhà trưng bày với 400 hình ảnh, hiện vật, bao gồm các hình ảnh kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Sóc Trăng, quá trình xây dựng khu căn cứ, ảnh các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các giai đoạn trong kháng chiến chống Mỹ…

Khu di tích là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về nguồn, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa của Đảng bộ và nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Hướng dẫn viên giới thiệu hình ảnh, hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Sóc Trăng.

Hướng dẫn viên giới thiệu hình ảnh, hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Sóc Trăng.

Nguyễn Thành Nam – Đoàn viên thanh niên xã Mỹ Phước cho biết: “Hàng năm Chi đoàn của chúng em luôn tổ chức định kỳ những chuyến về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, đây là dịp để bản thân em và tập thể đoàn viên thanh niên của chi đoàn tìm về cội nguồn, có dịp để nghe kể lại thời kỳ chiến đấu hào hùng của thế hệ đi trước. Chúng em quyết tâm và phấn đấu tiếp bước truyền thống vẻ vang và đóng góp sức trẻ của mình vào bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Mô hình toàn cảnh khu di tích

Mô hình toàn cảnh khu di tích

Bà Nguyễn Thị Hoa, một du khách tại TP. Sóc Trăng có mặt tham quan tại Khu di tích chia sẻ: “Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là niềm tự hào của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, bản thân tôi nói riêng. Từ nhà tôi đi đến Khu di tích với quãng đường không xa, nên mỗi dịp vào ngày lễ, tôi đều cùng gia đình đến nơi đây thắp hương và tham quan để nhắc nhở con cháu trong gia đình về lịch sử hào hùng của dân tộc”.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cảm xúc bùi ngùi xen lẫn niềm tự hào luôn đến khi các cán bộ Tòa án đến đây. Bản thân ông và thế hệ mai sau luôn ghi nhớ và luôn quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống hào hùng để xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến đấu tranh giữ nước của thế hệ cha ông đi trước.

Một số hình ảnh và hiện vật lưu giữ tại Khu di tích

Một số hình ảnh và hiện vật lưu giữ tại Khu di tích

Chiến tranh đã lùi xa, ngày nay Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Phước ra sức đoàn kết một lòng xây dựng quê hương đất nước; và mỗi người dân Mỹ Phước nói riêng, nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung luôn tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

Có thể khẳng định, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tồn tại là một minh chứng lịch sử của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, khẳng định tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đóng góp to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong việc bảo vệ đất nước.

Trần An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khu-di-tich-can-cu-tinh-uy-soc-trang-noi-luu-giu-va-khang-dinh-niem-tin-cua-dan-doi-voi-dang-416358.html