Khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống quê hương, đất nước

Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nằm bên dòng sông Bạch Đằng được xây dựng bề thế trong khung cảnh thâm nghiêm, yên bình, giúp du khách thập phương có dịp hiểu biết sâu sắc hơn về những chiến công oanh liệt của các bậc cha ông trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nằm bên dòng sông Bạch Đằng được xây dựng bề thế trong khung cảnh thâm nghiêm, yên bình, giúp du khách thập phương có dịp hiểu biết sâu sắc hơn về những chiến công oanh liệt của các bậc cha ông trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang nằm trầm mặc trên dải đất của dãy núi Tràng Kênh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 18km về phía đông bắc. Nơi đây từng diễn ra ba trận thủy chiến đánh tan quân xâm lược trong lịch sử giữ nước do các bậc hào kiệt của dân tộc chỉ huy như: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.

Trong không gian thâm nghiêm, yên bình, du khách như được dịp lắng lòng lại để tưởng nhớ, tri ân, và tự hào với những chiến công oanh liệt của các bậc tiền nhân. Nơi đây, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII đã diễn ra ba trận thủy chiến chiến lược của quân dân nước Việt chống giặc ngoại xâm với trận địa cọc trên sông nổi tiếng đã được ghi trong sử sách.

Bãi cọc Cao Quỳ - nơi bảo tồn nguyên trạng các cọc lim được phát hiện từ năm 2019.

Bãi cọc Cao Quỳ - nơi bảo tồn nguyên trạng các cọc lim được phát hiện từ năm 2019.

Điều đặc biệt thú vị là cả ba trận thủy chiến thuộc ba triều đại khác nhau nhưng đều có điểm chung là chỉ xảy ra trong một ngày, lựa theo quy luật con nước sáng lên, chiều xuống để bố trí trận địa, tiêu diệt, bắt sống quân giặc, khiến cho những cánh quân tinh nhuệ của các đế quốc Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều phải bạt vía, kinh hồn.

Đến thăm khu di tích, du khách sẽ được tham quan nhà trưng bày – nơi lưu giữ một số hiện vật còn lại từ những trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm xưa. Đó là những cây cọc Bạch Đằng, thứ vũ khí chiến đấu huyền thoại của ông cha ta được bảo tồn nguyên vẹn từ thế kỷ thứ XIII và một số hiện vật được tìm thấy trong khu di tích.

Nơi đây cũng lưu giữ những bản đồ tái hiện tương quan lực lượng và diễn biến từng trận đánh, giúp du khách hiểu rõ hơn về ba trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc: Trận thủy chiến do Đức vương Ngô Quyền chỉ huy chống quân Nam Hán (năm 938); Trận thủy chiến do vua Lê Đại Hành chỉ huy chống đại quân nhà Tống (năm 981); đặc biệt là trận thủy chiến lừng danh do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy chống quân Nguyên Mông xâm lược (ngày 9/4/1288). Riêng trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra ngày 9/4/1288 đã chôn gọn 6 vạn quân giặc cùng 600 chiến thuyền do tướng giặc Ô Mã Nhi cầm đầu, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược đất nước Đại Việt lần thứ ba của Đế chế Nguyên Mông.

Theo những tư liệu giới thiệu tại khu di tích, cả ba trận thủy chiến vang dội trong lịch sử giữ nước diễn ra tại nơi đây đều có điểm chung là dựa vào vị thế hiểm yếu của sông Bạch Đằng, với cùng một chiến thuật và cả ba trận quân ta đều giành thắng lợi to lớn, gây cho quân giặc những thất bại thảm hại. Lợi dụng quy luật con nước của sông Bạch Đằng sáng lên, chiều xuống, các vị vua, tướng lĩnh đã cho đóng những bãi cọc gỗ lim nhọn dưới cửa sông chạy dọc ra biển. Khi nước dâng cao, quân ta dụ địch chạy vào cửa sông, tiến qua bãi cọc, khi thủy triều xuống ta quay đầu tấn công thẳng vào đội hình của địch. Địch tháo chạy đúng lúc con nước thủy triều rút xuống khiến chúng bị mắc kẹt và những bãi cọc nhọn dưới lòng sông bỗng trở thành thứ vũ khí cực kỳ lợi hại làm chìm thuyền giặc

Cùng với nhà trưng bày hiện vật, khu di tích còn có chùa thờ Phật và các ngôi đền thờ Bác Hồ, thờ Đức Vua Lê Đại Hành, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền… tạo điểm nhấn bề thế, uy nghiêm cho quần thể. Sau khi thăm viếng chùa và các ngôi đền, du khách sẽ được đến với khu Quảng trường Chiến thắng rộng lớn xây nổi trên ngã ba sông Bạch Đằng – sông Thoải với diện tích 2.000m2. Hiện diện uy nghi trên quảng trường là tượng ba vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo được đúc bằng đồng nguyên khối với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng và đều toát lên vẻ uy dũng của những nhà cầm quân tài ba. Pho tượng Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, sức mạnh được biểu thị ở hình tượng chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức Hoàng đế Lê Đại Hành với áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang trong tư thế của người làm chủ thế trận. Phía trước ba pho tượng, dưới lòng sông Bạch Đằng là bãi cọc với 180 cọc lim nhọn được phục dựng lại, tượng trưng cho thế trận đánh giặc năm xưa...

Du khách tham quan nhà trưng bày hiện vật các trận Bạch Đằng.

Du khách tham quan nhà trưng bày hiện vật các trận Bạch Đằng.

Bày tỏ cảm nhận của mình khi tới đây, chị Trần Vân Anh (du khách người Nam Định) trải lòng: Thăm khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, có dịp hiểu sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, tôi càng thêm khâm phục vô cùng trước tài thao lược của các vị anh hùng dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cho đến ngày nay, những chiến công vang dội trên vùng đất Bạch Đằng Giang vẫn luôn là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo tài tình của các vị tiền bối, cũng như nghệ thuật quân sự đã được cha ông ta vận dụng đánh đuổi quân xâm lược, giữ vững chủ quyền dân tộc. Qua chuyến tham quan, tôi cũng như các thành viên trong đoàn càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Những năm gần đây khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang không ngừng được mở mang, hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, nằm trong quần thể di tích, cách khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang khoảng 5km, tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới đây nhân dân đã phát hiện các dấu tích của bãi cọc và được xây dựng thành Di tích bãi cọc Cao Quỳ - lưu giữ những dấu tích quan trọng trong thế trận Bạch Đằng Giang năm xưa. Khu bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, phục dựng, bảo tồn đã góp phần lưu giữ những dấu tích quan trọng trong thế trận Bạch Đằng Giang của cha ông trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Đây là những công trình có giá trị lịch sử sâu sắc, khơi dậy, phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lan tỏa tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta trong thời đại mới.

Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang là địa danh lý tưởng để tham quan, tìm hiểu lịch sử dân tộc và phục vụ công tác giáo dục truyền thống, giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Dung

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/khu-di-tich-lich-su-quoc-gia-bach-dang-giang-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-que-huong-dat-nuoc-94287.html