Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ: Đề xuất lấn biển xây tòa tháp 108 tầng ra sao?
Ước tính cần hơn 81 triệu m3 vật liệu để san lấp biển. Kiến trúc tòa tháp 108 tầng sẽ tuyển chọn hoặc thi tuyển kiến trúc riêng theo quy định.
Sau khi Người Đô Thị thông tin UBND huyện Cần Giờ trình UBND TP.HCM phê duyệt phương án điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, một số chuyên gia có phản hồi đến tòa soạn mong muốn được biết rõ hơn phương án lấn biển xây dựng tòa tháp 108 tầng cao nhất nhì thế giới này.
Do quy trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hiện đang ở bước trình hội đồng thẩm định xem xét có ý kiến với UBND TP.HCM nên các thông tin liên quan dự án chưa chi tiết. Tuy nhiên, trong hồ sơ trình thẩm định của UBND huyện Cần Giờ cũng có nhiều nội dung đề cập đến phương án lấn biển xây tòa tháp 108 tầng.
Các nguồn vật liệu dùng để lấn biển
Khu vực lập quy hoạch là vùng bờ của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Đây chủ yếu là khu vực dự kiến lấn biển với tổng diện tích 2.870 ha, trong đó khu vực đã triển khai lấn biển theo dự án trước đây của Khu đô thị du lịch Cần Giờ khoảng 20 ha (đất đã san lấp tôn nền). Phần còn lại, đất thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền >1m) là 132 ha; đất ít thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền
Cơ bản vùng biển ven bờ này là vùng nước nông với bãi biển rất thoải, dễ sử dụng nếu triển khai xây dựng công trình. Địa chất công trình chủ yếu là mặt nước biển với đáy là bùn, cát và các lớp địa chất khác. Hiện chưa có khảo sát địa chất chi tiết cho khu vực này.
Dự án lấn biển sẽ sử dụng cát tại các mỏ đã được Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thăm dò tại khu vực Cần Giờ làm nguồn vật liệu san lấp cho khu quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu phương án nhận chìm chất thải vô cơ (xà bần, đất đá thải) từ quá trình thi công các tuyến metro tại TP.HCM để giảm áp lực về nguồn cung ứng vật liệu san lấp tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận.
Đối với nguồn chất thải nạo vét từ quá trình thi công đê kè tại khu quy hoạch, sẽ bố trí bãi đổ thải có diện tích khoảng 10 ha nằm ở phía đông bắc khu quy hoạch để chứa, đồng thời tận dụng làm vật liệu san lấp.
Số liệu mới được đưa ra trong kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cho thấy khối lượng đắp nền nhỏ hơn quy hoạch được duyệt 2018. Cụ thể, giảm từ 137.616.000m3 còn 81.732.315m3 (giảm 55.883.685m3) nên sẽ giảm áp lực lên nguồn vật liệu san lấp. Khối lượng này là tạm tính, chưa bao gồm khối lượng đắp nền đường, khối lượng chuẩn xác sẽ được tính toán ở giai đoạn lập dự án.
Theo hồ sơ trình thẩm định của UBND huyện Cần Giờ, phương án lấn biển hoàn toàn phù hợp với chế độ thủy văn của khu vực. Tuy nhiên, dự án cần có giải pháp đê kè hợp lý và tính toán thoát nước cho thị trấn đối với từng giai đoạn xây dựng dự án.
Hoàn trả dòng chảy cho hai con sông
Theo phân tích thạch thủy động lực học, cơ bản xu hướng bồi xói sau khi có công trình lấn biển vẫn tiếp tục như hiện nay, với thiên hướng trung bình là bồi nhiều hơn xói. Các điểm có thể có sự thay đổi nhỏ do dòng chảy và sóng cũng có thể biến đổi tăng nhẹ khu vực gần công trình. Tuy nhiên không có hiện tượng đột biến về xu hướng vận chuyển trầm tích bùn cát cũng như quá trình lắng đọng bồi tụ, xói lở tại rìa công trình và các vịnh Gành Rái, vịnh Đồng Tranh, đất ngập nước khu vực kế cận.
Dự án sẽ không bố trí kè toàn khu vực mặt nước cảnh quan trung tâm mà phương án gia cố sẽ được nghiên cứu cụ thể ở các bước lập dự án tiếp theo sau quy hoạch. Khai thác mặt kè, thiết kế kè làm cảnh quan đô thị. Tổ chức lối xuống biển và tổ chức điểm ngắm cảnh với mặt kè biển. Xây dựng hệ thống đê biển chắn sóng với cao độ đỉnh đê có xét đến cả tổ hợp bão, sóng leo, thủy triều và biến đổi khí hậu nước biển dâng. Xây dựng hành lang cây xanh để bảo vệ đê biển, góp phần chống xói lở…
Theo hồ sơ trình của UBND huyện Cần Giờ, khu vực nghiên cứu có điều kiện ít thuận lợi cho xây dựng. Khu vực là đất lấn biển, chi phí san nền cải tạo mặt bằng và các chi phí bảo vệ cho khu vực tốn kém. Dự án phải xây dựng các công trình quản lý và xử lý nước thải, chất thải rắn, không để phát tán chất thải ra xung quanh khu vực quy hoạch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước, đất, không khí; làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường rừng ngập mặn.
Trong khu vực hiện có hai cửa sông chảy vào là sông Hà Thanh và Rạch Lở. Phương án quy hoạch sau này phải có biện pháp hoàn trả dòng chảy cho hai con sông này. Tiếp tục theo dõi, đánh giá sự thay đổi dòng chảy của các con sông trong khu vực có khả năng gây nguy cơ sạt lở cao.
Tòa tháp 108 tầng phải có giá trị nghệ thuật cao
Hồ sơ trình của UBND huyện Cần Giờ cho biết vị trí các khu vực có công trình điểm nhấn bao gồm khu vực mũi Hải đăng với tháp biểu tượng cao 108 tầng; khu vực nút giao phía nam đường T7 và đường vòng trung tâm, nhóm công trình cao tầng trọng tâm tại khu vực hỗn hợp theo trục chính thương mại dịch vụ.
Thiết kế kiến trúc khu vực có công trình điểm nhấn phải có giá trị nghệ thuật cao, gắn kết hình thái công trình với không gian lân cận để tạo thành tổ hợp có tính đại diện, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Khuyến khích các hình thức kiến trúc đơn giản, hiện đại, xanh, đảm bảo tính thẩm mỹ. Khai thác tổ hợp khối không gian mặt đứng công cộng, với các mảng xanh nhằm tạo dựng sắc thái riêng cho khu vực thiết kế.
Đối với công trình điểm nhấn tòa tháp 108 tầng, thiết kế hình thái kiến trúc công trình còn phải đảm bảo tính độc đáo, nổi bật và phải được tuyển chọn hoặc thi tuyển kiến trúc riêng theo quy định.
Toàn bộ khu vực quy hoạch được phân thành 25 khu (gồm 18 đơn vị ở và 7 ô quy hoạch). Tổng dân số tối đa bố trí trong các đơn vị ở là 228.506 người, trong đó dân số tối đa trong đất ở thuần là 220.191 người. Trong khu vực công trình hỗn hợp có bố trí thêm quỹ đất dành cho chức năng ở (tháp 108 tầng) có dân số tối đa khoảng 8.315 người. Giữ nguyên cấu trúc và các khu chức năng chính theo quy hoạch được duyệt.
Các điểm nhấn đô thị, khi triển khai thiết kế cảnh quan các khu vực, các công trình quan trọng, các không gian kiến trúc đặc trưng khác phải đảm bảo hài hòa về màu sắc, khối tích chính, khoảng cách đến công trình lân cận. Các chỉ tiêu xây dựng tuân thủ theo quy hoạch các chức năng công trình khống chế trong đồ án ở bước sau.
Nguyễn Hoàng
Cần hơn 76.000 tỷ đồng làm hạ tầng
Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha với quy hoạch 5 phân khu được khái toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cây xanh 76.259,28 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng phần kiến trúc là 43.743,12 tỷ đồng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516,16 tỷ đồng.
Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch, khu A sẽ rộng 953,83 ha với chức năng chính là công viên chuyên đề; sân golf; các khu du lịch nghỉ dưỡng và công trình công cộng thương mại dịch vụ, văn hóa thể thao; hình thành các nhóm ở với hạt nhân là các công trình công cộng dịch vụ, vườn hoa cây xanh cấp đơn vị ở, hệ thống nhà ở thấp tầng…
Khu B rộng khoảng 659,87 ha với trọng tâm là tổ hợp công trình trung tâm văn hóa thể thao và sân vận động bố trí tại nút giao lớn với đại lộ Cần Thạnh - Long Hòa ở phía bắc…
Khu C rộng 318,33 ha và khu D rộng 480,46 ha được quy hoạch bố trí công trình sân thể thao cơ bản kết hợp cảnh quan, quảng trường, các công trình hỗn hợp làm điểm nhấn cho khu vực, các công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị…
Khu E có quy mô 457,52 ha: hình thành mặt nước lớn tại trung tâm khu vực, xây dựng công viên, bãi tắm là khoảng đệm để kết nối với không gian mặt nước; chức năng là không gian mở mang tính công cộng, biển nhân tạo, kênh dẫn…