Khu lăng mộ của những huyền thoại
Chìm trong khu rừng khộp thưa lá thâm u ven con sông Sêrêpôk, nơi yên nghỉ của những huyền thoại săn voi phủ màu rêu phong, đổ nát, tĩnh mịch. Trong nắng quái chiều tà, câu chuyện kỳ bí về những chàng Đam San của núi rừng một thời vẫn in đậm trong dấu ấn đại ngàn, trong ký ức hậu duệ 'vương quốc voi' Buôn Đôn.
Nghĩa trang gru (dũng sĩ săn voi) nằm ở thung lũng hẻo lánh thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Không phải ai cũng có thể tự do vào nơi đây. Muốn đến tham quan, tìm hiểu, người đó phải có hướng dẫn viên du lịch hoặc thân quyến các ngôi mộ dẫn vào. Người M'nông và Ê Đê quan niệm nếu không có lý do gì mà đến đây nghĩa là xâm phạm nghĩa trang, làm kinh động đến các linh hồn đang yên giấc ngàn thu. Theo chân chị H'Khoi, cháu ngoại vua săn voi Ama Kông, chúng tôi men theo con đường rừng quanh co, đầy bụi rậm, cây tạp để vào đến "thung lũng gru" trong buổi chiều nắng xế.
Chị H'Khoi cho biết: không phải ai cũng có phúc phần được nằm ở nghĩa trang đặc biệt này. Chỉ những gru săn được hàng chục con voi rừng trở lên mới có được vinh dự chôn cất ở đây. Do đó, khu nghĩa trang rộng hơn 10 hecta này chỉ có vài chục ngôi mộ cũ kỹ, xuống cấp. Thế hệ con cháu sau này không ai có được vinh dự đó bởi số lượng đàn voi rừng sụt giảm cộng với chính sách cấm săn bắt voi rừng.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng những người được chôn cất ở đây đều là vua săn voi. Chị H'Khoi khẳng định, vua săn voi chỉ có một. Đó là ngôi mộ khối vuông của vua săn voi Y Thu Knul nằm ở vị trí trung tâm nghĩa trang. Những phần mộ còn lại chỉ là của các gru đơn thuần. Sở dĩ ông tổ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Y Thu Knul được người dân tôn vinh là vua voi bởi danh hiệu này được chính quốc vương Xiêm La ban tặng.
Năm 1861, ông mang tặng hoàng gia Thái Lan con voi trắng do chính mình thuần dưỡng. Người xưa quan niệm voi trắng là hiện thân của bậc vua chúa, là linh vật mang đến sự thịnh vượng cho vương triều. Để cảm tạ tấm chân tình của vị tù trưởng người M'nông, vua Xiêm tặng ông danh hiệu Khunjunob (nghĩa là vua săn voi). Với bất cứ gru nào, tiếng tăm sẽ càng lừng lẫy khi họ săn được bạch tượng bởi săn loài voi quý hiếm này không dễ. Sinh thời, Y Thu Knul khiến các bộ tộc gần xa thán phục khi chinh phục hơn 500 con voi rừng, trong đó có hai con voi trắng. Một con tặng cho vua Xiêm, một con tặng cho vua Bảo Đại.
Ông Ama Tăng, một cao niên ở Buôn Đôn kể rằng vua săn voi Y Thu Knul có bố là người M'nông, mẹ gốc Lào. Ông chính là người khai phá và sáng lập ra mảnh đất Buôn Đôn huyền thoại - nơi quy tụ những dũng sĩ săn voi dũng mãnh. Cuộc đời vị tù trưởng quyền uy này như tiếng chiêng vang rền núi rừng.
Y Thu sinh năm 1828 ở vùng biên giới giáp đất Campuchia. Người mẹ đau đớn vật vã ba ngày ba đêm mà mãi không đẻ được. Người nhà sợ quá, làm heo, làm gà cúng tế thần linh, nhưng thằng bé cứng đầu ấy chẳng chịu chào đời. Buổi trưa hôm thứ tư, trước gian nhà của người đàn bà đau đẻ bỗng xuất hiện con ngựa rừng to lớn chạy vòng quanh, tiếng khóc Y Thu mới vỡ òa khiến bầy chim xao xác. Thằng bé càng lớn càng khỏe mạnh phi thường. Cơ bắp rắn chắc, ánh mắt tinh anh và tiếng nói ầm ào, vang rền như thác lũ đại ngàn. Người trong buôn coi thằng bé là con của đấng thần linh.
Khi Y Thu trở thành chàng thanh niên vạm vỡ, gia đình không may bị bắt nhốt vào hang đá trong một cuộc tranh chấp giữa các bộ tộc. Y Thu thoát cuộc vây bắt, chạy đến vùng đất thuộc huyện Buôn Đôn ngày nay cầu cứu. Sau khi giải cứu được mẹ và người nhà, anh đưa họ đến nơi lánh nạn khai khẩn đất hoang, quên đi cuộc chiến đau thương. Vùng đất hứa được Y Thu đặt tên là Buôn Đôn (theo tiếng Lào nghĩa là Làng đảo). Nhưng ruộng nương chưa kịp thu lúa bắp thì bị lũ voi rừng đến quấy phá, dẫm nát. Y Thu bèn huy động trai tráng trong buôn săn bắt và thuần dưỡng voi rừng để chúng bớt phá rẫy, lại có thêm phương tiện thồ hàng, kéo gỗ.
Sức vóc hơn người cộng với tài trí mưu lược, ông được người làng suy tôn làm tù trưởng. Dù giàu có, quyền lực nhưng vị tù trưởng ấy được người dân tin yêu vì sự bao dung, đức độ. Ông thường xin hoặc mua lại những kẻ bị bán làm nô lệ hoặc ai không may bị quy là "ma lai" rồi thả cho họ tự do. Ai bị khép vào tội ăn cắp, nếu thấy họ biết ăn năn, hối cải, ông cũng đứng ra dàn xếp để họ có cơ hội về với gia đình, sửa chữa lỗi lầm. Năm tháng chống Pháp, nhiều người trong buôn bị quân Pháp bắt đăng lính, Y Thu không ngần ngại đổi ngà voi và nhiều vật phẩm quý để xin cho họ. Tài đức của Y Thu khiến vùng Buôn Đôn ngày càng có nhiều bộ tộc dừng chân lập nghiệp. Người dân Tây Nguyên, các quốc gia láng giềng lẫn người Pháp hết sức nể trọng, kính phục ông.
Vua săn voi Y Thu Knul mất năm 1938, thọ 110 tuổi. Sự ra đi của vị tù trưởng đáng kính khiến người dân lẫn chức sắc gần xa vô cùng thương tiếc. Mộ của ông do người cháu R'leo Knul (gọi Y Thu Knul bằng cậu) thiết kế. Ngôi mộ là một khối vuông giản dị, được trang trí bằng búp sen ở bốn góc và phần đỉnh theo lối kiến trúc kết hợp giữa văn hóa M'nông và Lào.
Người cháu R'Leo (sinh năm 1877) cũng là một kiện tướng săn voi. Ông từng tặng vua Bảo Đại một con voi trắng và thành lập cho nhà vua đội tượng binh hoàng gia. Sau khi mất vào năm 1947, mộ người cháu nằm cạnh mộ vua voi, được xây dựng theo kiến trúc hình tháp kiểu Campuchia. Chính vì hai ngôi mộ liền kề nhau và sự nổi trội của ngọn tháp khiến nhiều người nhầm tưởng ngôi mộ này là của vua săn voi. Ama Kông, con rể của Y Thu Knul, được xem như vị vua voi thứ hai nhưng mộ phần của ông lại không an táng ở khu nghĩa trang này. Theo chế độ mẫu hệ, mộ phần của Ama Kông được an táng bên cạnh mộ người vợ đầu ở buôn Trí, cách khu nghĩa trang ba kilomet.
Các ngôi mộ được xây dựng về sau mang nhiều kiểu dáng và trang trí sặc sỡ hơn hai ngôi mộ mộc mạc, uy nghiêm của tiền nhân. Mộ của các gru được đắp nổi hình voi, hình cồng chiêng, trước một số mộ có tượng chim công đậu trên ngà voi bằng gỗ sơn xanh. Tượng voi đắp ở bốn phía như canh giấc ngàn thu cho người đã khuất. Chim công là thiên sứ của thế giới bên kia, dẫn đường cho linh hồn về nơi an nghỉ. Không ít mộ ghi rõ tên tuổi, công lao của người quá cố. Chẳng hạn bia ghi công của gru Y Dot Knul ghi rõ ngày tháng lập mộ và chiến tích: khai hoang ruộng được 5ha, đâm bò và min rừng (tức trâu rừng) được 36 con, bắt và thuần dưỡng 28 voi rừng. Nhưng nắng mưa thời gian làm không ít bia đá nứt nẻ, bong tróc chữ làm phai mờ chiến tích lẫy lừng ngày nào. Muốn biết chuyện xưa, ký ức người ở lại là nơi soi chiếu duy nhất dù rằng câu chuyện ấy khi mờ, khi tỏ trong trí nhớ người cao niên.
Lý giải vì sao các ngôi mộ đều xuống cấp, hoang tàn, chị H'Khoi cho hay vì dân tộc M'nông và Ê Đê đều có tục bỏ mả sau khi người chết được an táng khoảng ba đến năm năm. Trong quan niệm của hai dân tộc này, khi mới chết, người nhà vẫn chia của cho người chết vì linh hồn của họ vẫn giữ mối liên hệ với người sống. Nhưng sau nghi lễ bỏ mả, người chết sẽ siêu thoát về thế giới bên kia, không ở cùng người sống nữa. Nghi lễ bỏ mả có nghĩa là tiễn biệt người chết lần cuối với các thủ tục như cúng heo, gà, dựng tượng nhà mồ. Ai còn bén mảng đến ngôi mộ sẽ bị thần linh trừng trị. Dù luật tục nghiêm khắc là thế nhưng kẻ gian vẫn tìm đến nghĩa trang để kiếm chác. Ngôi mộ vua săn voi và người cháu từng bị bọn trộm đục khoét lấy hết vàng bạc, của cải mà người nhà chia cho người chết cũng như báu vật mà vua Xiêm, vua Bảo Đại và các tù trưởng gửi tiễn linh hồn người đã khuất.
Rời nghĩa trang khi bóng chiều nhập nhoạng, ngoái nhìn những ngôi mộ lạnh lẽo dần chìm vào màn đêm, chúng tôi chợt cám cảnh cho một di tích hoang phế. Dù ngành du lịch đã vận động, khuyến khích người nhà chăm nom, tu bổ để tiện cho việc bảo tồn nhưng luật tục của đồng bào đâu dễ lay chuyển. Câu chuyện hùng tráng một thời, có tiếng voi gầm vọng núi rừng gửi lại trong lớp hậu duệ dòng tộc. Để ai một lần ghé Buôn Đôn, thêm ngỡ ngàng và kính phục những gru - những anh hùng làm nên huyền thoại của loài người chốn rừng sâu.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khu-lang-mo-cua-nhung-huyen-thoai-i705612/