Khu lưu niệm, công viên Nguyễn Thị Bảy - Nơi ghi dấu ấn lịch sử hào hùng
Thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An hiện nay có công viên Nguyễn Thị Bảy, cạnh đó là Trường Tiểu học Nguyễn Thị Bảy và cầu Nguyễn Thị Bảy. Đến thị trấn, hỏi những địa danh trên, hầu như ai cũng biết. Nơi ấy chính là địa điểm giặc Pháp xử bắn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng khác. Hình ảnh bất khuất của bà và các chiến sĩ cách mạng được tái hiện trong bức tranh đặt tại công viên, như một lời nhắc nhở các thế hệ sau về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang nhưng nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy chủ yếu tham gia hoạt động cách mạng tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Năm 1936, bà là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ dân chủ tỉnh Chợ Lớn. Bà chính là người lãnh đạo phong trào Nam kỳ Khởi nghĩa tại Cần Giuộc. Đến lúc bị địch bắt, tra tấn dã man, bà vẫn giữ vững khí tiết, thậm chí, ra sức tuyên truyền, vận động binh lính ngụy giác ngộ, quay về với Tổ quốc.
Biết không thể khuất phục được nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Bảy, giặc tử hình bà. Ngày 04/5/1941, bọn chúng đưa bà Nguyễn Thị Bảy và 4 đồng chí khác xử bắn tại sân banh Cần Giuộc. Sân banh này được một cá nhân xây dựng năm 1937 nhằm ủng hộ phong trào thể dục - thể thao. Về sau, giặc Pháp dùng sân banh làm đài xử bắn, giết hại các chiến sĩ cách mạng.
Hồ sơ di tích Khu vực sân banh Cần Giuộc có đoạn ghi: “Để khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân ta sau sự kiện Nam kỳ Khởi nghĩa, thực dân Pháp xử tử hàng loạt đảng viên yêu nước. Chúng tập trung lập đài xử bắn hầu khắp các huyện (quận) của Nam bộ. Riêng ở Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, những nơi có phong trào đấu tranh mạnh nhất nên địch xây dựng khá công phu địa điểm xử bắn những người yêu nước, riêng ở Cần Giuộc và Đức Hòa, đài xử bắn giống nhau. Đài xử bắn đắp thành vòng cung, chỗ cao nhất tới 3m, dày 1m. Phía trước chôn từ 4-5 cột gỗ để khi xử bắn thì trói các chiến sĩ cách mạng.”
Bà Nguyễn Thị Bảy cùng 4 chiến sĩ cách mạng khác đã hy sinh vào một sáng tháng 5 lịch sử. Bà không đeo băng bịt mắt, từ chối lễ rửa tội vì “yêu nước là không có tội”. Trước lúc hy sinh, các chiến sĩ cách mạng và nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy vẫn nêu cao khí tiết, kêu gọi người dân tiếp tục đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Hồ sơ di tích khu vực sân banh Cần Giuộc có đoạn chép: “Phút sắp lìa đời, chị cùng các chiến sĩ hô vang khẩu hiệu:
- Đả đảo đế quốc Pháp
- Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm
- Việt Nam độc lập muôn năm”.
Ý chí bất khuất, kiên cường của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bảy cùng với các chiến sĩ cách mạng đã tạo nên dấu son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh trên quê hương Cần Giuộc.
Di tích sân banh Cần Giuộc ngày nay có nhiều thay đổi, bừng lên sức sống mới với tiếng đùa vui của học sinh và nhịp sống bình yên của người dân thị trấn. Một phần sân banh trở thành Trường Tiểu học Nguyễn Thị Bảy, phần còn lại là công viên, khu lưu niệm Nguyễn Thị Bảy. Bên trong khu công viên có một đài lưu niệm được mô phỏng theo hình dạng đài xử bắn năm xưa. Phía sau là bức tranh tái hiện hình ảnh xử bắn các chiến sĩ cách mạng vào ngày 04-5-1941.
Đó như một minh chứng cụ thể, nhắc chúng ta về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Sân banh Cần Giuộc giờ đây không còn phổ biến nhưng công viên Nguyễn Thị Bảy và truyền thống anh hùng của dân tộc thì luôn được người dân nhắc nhở và gìn giữ./.