Khu vực châu Á đang phát triển có bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 cho biết, các khoản đầu tư toàn cầu vào trí tuệ nhân tạo và lạm phát giảm đang tạo cho khu vực châu Á đang phát triển một bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế bền vững vào năm 2024 và 2025.

 ADB tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 cho khu vực châu Á đang phát triển lên 5%. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Báo Tin tức

ADB tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 cho khu vực châu Á đang phát triển lên 5%. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Báo Tin tức

Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng vọt 8% ghi nhận trong tháng 7, ngân hàng đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 cho khu vực này lên 5%, cao hơn so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 4,9%.

Đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực vào năm 2025, ngân hàng vẫn giữ nguyên ở mức 4,9%.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Albert Park cho biết: “Các nhà xuất khẩu công nghệ có thu nhập cao được hưởng lợi khi doanh số chất bán dẫn toàn cầu tăng, trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ”.

Đối với dự báo lạm phát, mức tăng trưởng dự kiến của khu vực trong năm nay được ngân hàng đưa ra giảm từ 3,2% xuống còn 2,8%. Điều này là do giá thực phẩm giảm chậm hơn dự kiến ở Trung Quốc.

Thêm vào đó, dự báo lạm phát năm 2025 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 2,9%, tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sau này nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Trong một báo cáo mới, ngân hàng ADB thông tin rằng nhu cầu toàn cầu về đồ điện tử, cũng như ôtô và tàu biển từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lên, cộng thêm triển vọng tăng trưởng được cải thiện từ các nền kinh tế tiên tiến lớn đang giúp ích cho triển vọng của châu Á.

Một diễn biến khác có liên quan chỉ ra rằng, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á được ngân hàng ADB công bố 2 năm/lần, xuất khẩu hàng hóa phi điện tử cũng đang tăng trưởng, mặc dù ở mức độ vừa phải hơn.

Tuy nhiên, ADB cho biết Bắc Kinh sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% vào năm 2024, qua đó dự báo mức tăng trưởng sẽ dừng ở mốc 4,8%. Đến năm 2025, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 4,5%. Sự suy yếu của ngành bất động sản đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và chi tiêu của hộ gia đình, bất chấp mức đầu tư cao hơn được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đã bù đắp một phần. Trước tình hình này, mới đây, chính quyền Bắc Kinh đã công bố gói kích thích mà các nhà phân tích mô tả là gói kích thích quan trọng nhất trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Đối với khu vực Nam Á, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ chậm lại trong nửa đầu năm, ADB vẫn tin tưởng đây sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong toàn châu Á.

Riêng Ấn Độ, nhờ chi tiêu của chính phủ và tiêu dùng tư nhân, nền kinh tế nước này được dự đoán sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2024, sau đó tăng lên đến 7,2% vào năm 2025.

Hạnh Nhi(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/khu-vuc-chau-a-dang-phat-trien-co-be-phong-thuc-day-tang-truong-kinh-te-ben-vung-146359.html