Sáng 11/9/2001, 19 tên khủng bố bắt cóc và khống chế 4 máy bay, trong đó có chuyến bay số 11 của American Airlines đâm vào tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York.
Khoảng 6 phút sau, đội cứu hỏa đầu tiên của Thành phố New York đã tiếp cận hiện trường. Khi những người lính cứu hỏa vừa mới bắt đầu leo lên cầu thang trong nỗ lực tiếp cận những người bị mắc kẹt ở các tầng trên thì một chiếc máy bay khác do khủng bố điều khiển lao thẳng tòa tháp phía nam vào lúc 9 giờ 03 sáng.
Ngay lập tức vụ va chạm thứ hai đã khiến tòa tháp rung lắc, rồi cuối cùng sụp đổ vùi luôn cả những người lính cứu hỏa Mỹ vừa xông vào tòa nhà để làm công tác giải cứu.
Đã có tới 343 người lính cứu hỏa thuộc Sở Cứu hỏa thành phố New York (FDNY) hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.
“Chúng tôi nhận thức rõ được rằng những đồng đội của mình có thể đã hy sinh, nhưng chúng tôi ước tính rằng có hàng chục ngàn người dân đang gặp nguy hiểm, vì vậy, phải cố gắng giải cứu họ”, người đứng đầu đơn vị phụ trách khu vực Hạ Manhattan của FDNY, Peter Hayden, cho biết.
Tại hiện trường, các quan chức FDNY nhanh chóng nhận ra rằng hy vọng kiểm soát ngọn lửa do vụ tấn công quá mong manh.
Thay vào đó, họ dồn mọi nguồn lực vào sứ mệnh sơ tán những nhân viên văn phòng đang ở bên trong hai tòa nhà khổng lồ, từng là niềm tự hào của New York và nước Mỹ.
Mặc dù dự đoán được rằng cấu trúc của tòa tháp đôi đã bị hư hại nặng nề và hệ thống chữa cháy có thể không hoạt động được, họ hầu như không có bất kỳ thông tin rõ ràng nào về tình hình bên trong. Vậy là những người lính cứu hỏa cứ thế lao vào tòa tháp sắp sụp đổ.
Số lính cứu hỏa thiệt mạng thời điểm sự kiện 11/9 tương đương hơn một phần ba trong số khoảng 1.000 nhân viên khẩn cấp có mặt tại hiện trường, theo báo cáo của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) về cuộc tấn công WTC.
Ngoài 343 lính cứu hỏa thiệt mạng tại chỗ thì còn có 118 người qua đời vì những bệnh liên quan, sau khi làm nhiệm vụ cứu hộ trong sự kiện 11/9 đầy thảm khốc này.
Hai thập kỷ sau, vẫn không có bất kỳ thông tin chính thức nào về vị trí chính xác của những người lính cứu hỏa khi họ thiệt mạng.
Tuy vậy, một phân tích của New York Times năm 2005, dựa trên những ý kiến của nhân chứng, hồ sơ và báo cáo liên bang, cho thấy rằng khoảng 140 lính cứu hỏa đã mất mạng trong hoặc xung quanh tháp phía nam, trong khi khoảng 200 người chết bên trong hoặc tại chân tòa tháp phía bắc.
Theo một báo cáo của Ủy ban 11/9 và thông tin có được trong cuộc phỏng vấn với Đại úy Paul Conlon, lính cứu hỏa thuộc FDNY, người đã chứng kiến sự việc, trường hợp thiệt mạng đầu tiên xảy ra vào khoảng 9 giờ 30 sáng, khi một người nhảy từ tòa tháp phía nam và rơi trúng vào lính cứu hỏa Daniel Suhr khiến cả hai thiệt mạng.
Leo lên thang cứu hộ với bộ quần áo bảo hộ dày cộp và mang theo nhiều thiết bị là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, ngay cả đối với những người lính cứu hỏa có thể chất tốt.
Tình trạng kiệt sức nhanh chóng xảy ra, một số lính cứu hỏa không theo kịp và bị tách khỏi các thành viên khác trong đội.
Ngoài ra, liên lạc qua vô tuyến trở nên khó khăn khi lính cứu hỏa đi sâu hơn vào bên trong các tòa nhà, có khung thép và bê tông gây nhiễu tín hiệu.
Nhưng ngay cả khi không có những khó khăn đó, sẽ không có cách nào để chuẩn bị cho những gì xảy ra vào lúc 9 giờ 59 sáng, khi tòa tháp phía nam đột ngột sụp đổ chỉ trong 10 giây. Không có thời gian để chạy thoát, tòa nhà sụp đổ và cướp đi sinh mạng của tất cả các nhân viên cứu hỏa và cấp cứu bên trong tòa nhà.
Theo báo cáo của Ủy ban 11/9. Sau khi bị nghiền nát dưới một núi đổ nát với 250.000 tấn thép, bê tông và đồ đạc, phải mất nhiều tháng sau một số thi thể mới được tìm thấy.
Khoảng một phút sau, khi các quan chức FDNY nhận thấy rằng tháp phía bắc cũng có thể sớm sụp đổ, họ ra lệnh cho tất cả nhân viên cứu hỏa ở tháp sơ tán. Tuy vậy, liên lạc vô tuyến gián đoạn cũng như sự hoảng loạn trong thảm họa, một số nhân viên cứu hỏa đã không nghe thấy lệnh sơ tán.
Nhiều người không ở gần cửa sổ thậm chí còn không biết rằng tháp phía nam đã sụp đổ, mặc dù họ đã cảm nhận được luồng gió giật mạnh và thổi ào ào đẩy đám mây mảnh vụn lên tháp phía bắc.
Theo báo cáo của Ủy ban 11/9, các nhân viên cứu hỏa bên trong tòa tháp phía bắc nghe được lệnh đã cố thoát ra khỏi tòa nhà nhanh nhất có thể.
Một số nhóm đã không ngay lập tức tiến hành việc sơ tán của chính họ để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc thoát ra ngoài, trong khi những người khác nán lại tìm kiếm những người lính cứu hỏa khác để họ có thể cùng nhau thoát khỏi tòa nhà sắp sụp đổ.
Nhưng khi một số lính cứu hỏa đến được sảnh của tòa tháp phía bắc lúc 10 giờ 24, một vấn đề khác đã phát sinh, không có bất kỳ lãnh đạo đơn vị nào đứng đợi họ.
Cuối cùng, một lính cứu hỏa nhìn thấy tòa tháp phía nam sụp đổ từ cửa sổ nói với những người còn lại rằng họ nên rời đi.
Tuy nhiên, trước khi tất cả họ có thể ra khỏi sảnh, tòa tháp phía bắc bắt đầu sụp đổ lúc 10 giờ 28, giết chết nhiều người.
Ẩn trong không khí và các đám mây bụi lúc đó là các chất gây ung thư và hóa chất amiăng (chứa sợi thủy tinh, thủy ngân và benzene nguy hiểm cho sức khỏe). Khi hít phải các loại chất này, con người có thể bị ung thư sau một thời gian.
Mặc dù FDNY đã phải trả một cái giá quá đắt vào này định mệnh đó, những nỗ lực đầy quả cảm của những người lính cứu hỏa đã cứu sống hàng nghìn người.
Hình ảnh những người lính cứu hỏa quên mình vì đồng loại, là những hình ảnh đẹp nhất về tình người giữa thảm kịch kinh hoàng nhất nước Mỹ trong thế kỷ XXI.
Nếu không có những người lính cứu hỏa gan dạ và dũng cảm, có thể con số thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9 còn cao hơn rất nhiều.
Việt Hùng