Khúc bi tráng trong mưa
Năm 1986, Báo Công an TPHCM phát hành rộng rãi ngoài xã hội. Từ đó, Ban biên tập khởi xướng chương trình Xã hội - Từ thiện nhằm giúp đỡ đồng bào nghèo, những hoàn cảnh cơ hàn còn khá đông trên khắp mọi miền đất nước. Lúc ấy, các doanh nghiệp còn làm ăn ở cấp độ nhỏ, nhiều người thu nhập ở mức trung bình, nên khó tìm được nguồn tài trợ lớn. Để tạo ngân quỹ hoạt động, anh Huỳnh Bá Thành, lúc ấy là phó tổng biên tập, tổ chức các hoạt động như triển lãm tranh, ca nhạc... bên cạnh việc kêu gọi lòng hảo tâm công khai trên mặt báo.
Năm 1992, bão lũ tàn phá dữ dội nhiều tỉnh miền Trung, Báo Công an TPHCM lại tổ chức nhạc hội tại rạp Rex để tìm thêm nguồn tài chính mang đi cứu trợ. Anh em phóng viên được giao nhiệm vụ đi bán vé, vì phòng vé tại rạp không thể thu về lượng tiền nhanh theo thời gian cấp bách của chương trình. Thật sự, đã nhiều lần đi bán vé, nhưng anh em phóng viên đều nản vì không bán được bao nhiêu, mất thời gian và hơi mất... thể diện, chỉ mỗi mình tôi là tích cực, luôn mang về số tiền lớn cho đơn vị. Đêm ca nhạc năm ấy chỉ còn một ngày khai diễn, nhưng còn trống khoảng 100 ghế, một "khoảnh trống" khá lớn so với sức chứa chỉ độ 700 ghế của rạp Rex. Anh Thành kêu tôi vào phòng và nói với ánh mắt tin cậy: "Tình thế cấp bách lúc này, anh chỉ trông chờ mày... giải cứu. Một trăm vé là 100 suất học bổng hoặc hàng chục tấn gạo giúp đồng bào trong cơn nguy khó. Hy sinh đi em, nỗ lực thêm tí nữa vì nghiệp cả, anh tin mày làm được, rất tin mày lấp được khoảng trống đó...". Tôi không suy nghĩ gì, nhận mấy xấp vé đi ngay.
*
* *
Làm từ thiện không dễ dàng chút nào, phải kiên nhẫn như người trồng dâu nuôi tằm, là cả một sự bền chí, chịu đựng gian nan nếu muốn có những tấm lụa đẹp. Nhà báo đi vận động quyên góp lắm khi bị làm nhục, bị đối xử như kẻ ăn mày, vì không ai vui vẻ khi thấy người mang "công văn nhân đạo" đến xin tiền cả. Tôi đã nhiều lần bị như thế, phải cắn răng, nuốt nhục để mưu cầu việc lớn, để tờ báo có thể phát triển chương trình nhân văn này. Âu đó là sự đời, tìm được một tình thương chân chính, một nghĩa cử vị tha giữa xã hội chen chân tranh giành chỗ đứng không phải là điều đương nhiên, sẵn có. Phải chấp nhận những mấp mô, khúc khuỷu trên con đường xây dựng sự nghiệp, nếu nản lòng, nếu gục ngã thì không bao giờ đi đến đích, thậm chí "không lớn nổi thành người".
Sau một buổi chạy đến vã mồ hôi, tôi bán được 50 vé, còn phân nửa số vé nằm trong chiếc túi... nặng như cục đá xanh. Tôi tìm đến một công ty nhà nước có tiếng làm ăn đang lên. Tôi được bảo vệ đưa đến phòng trợ lý giám đốc. Anh trợ lý trạc tuổi tôi, sau khi nghe yêu cầu, đang rót dở ly nước anh ta dừng lại không muốn mời nữa, rồi ngồi châm thuốc hút. Tôi xin gặp giám đốc, anh ta vờ không nghe thấy. Không ít trợ lý hay lái xe cho quan chức cứ ngỡ mình cũng có chức phận, quyền hành như "sếp", coi trời bằng vung, vênh váo với đời. Tôi ngồi chờ đợi mà lòng nóng như thiêu. Hút tàn điếu thuốc, anh ta nói giám đốc đi họp rồi, hẹn tôi hôm khác quay lại. Tôi vẫn ngồi, vì mới nghe tiếng ông ấy nói điện thoại oang oang ở phòng bên. Trợ lý bỗng huýt gió, rồi hát khe khẽ: "Một lần nào cho tôi gặp lại em, nghe em nói, nghe em cười...", tôi không hiểu có máu yêu nhạc hay muốn đuổi khách, nhưng cứ lẳng lặng ngồi nghe anh ta "biểu diễn văn nghệ". Gần hai giờ trôi qua, lòng tôi như bếp than, càng ngày càng nóng.
Đến 16 giờ 30, giám đốc ra khỏi phòng, tôi đứng bật lên, bày tỏ nguyện vọng, ông ta không nói, không rằng, ra chiếc Toyota cũ tài xế đang đợi sẵn, đóng cửa, chạy đi. Tôi chán chường, nhưng lúc ấy những lời nói của anh Huỳnh Bá Thành bỗng vẳng bên tai khiến tôi tỉnh lại, vội lấy xe chạy theo chiếc ôtô màu đỏ ấy. Tôi nghĩ ông ta về nhà, nhưng không, xe dừng lại trước một nhà hàng nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, cách không xa công ty lắm. Ông ta bước vào phòng máy lạnh, tôi nhìn quanh, rồi dựng xe ở gốc cây bên đường, đi tới, đi lui, chờ đợi. Thời gian nặng nề trôi, trên người tôi như vác thêm mấy cục đá, cứ nặng trì ra. Nên rút lui không, đi làm việc thiện mà gian nan, bị đối xử như ăn mày thế này, thì còn gì danh dự nhà báo? "Cái khổ, cái khó của mình không thấm gì so với muôn vàn đau thương của đồng bào ngoài đó đâu em...". Tôi lại nghe lời anh Thành nhắn nhủ bên tai và... ngồi bệt trên vỉa hè nhìn trời hiu quạnh, nghĩ ngợi vu vơ... Đến 20 giờ, tiệc tàn, giám đốc chệnh choạng bước ra xe, tôi mở nắp bình xăng lắc lắc coi xăng có còn để theo đuổi "mục tiêu" này không, vì túi tôi không có nhiều tiền.
*
* *
Chiếc Toyota đỗ xịch trước ngôi nhà có giàn hoa giấy trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, sếp vừa bước xuống, đóng cửa, tài xế lái xe chạy vụt đi. Ông giám đốc người liêu xiêu, đi thẳng vào cột điện bê tông dựng bên hông nhà, té quỵ xuống... Trước tình huống bất ngờ này, tôi liền bỏ xe, bước đến đỡ ông ta, máu phọt từ trán chảy thành dòng trên mặt mũi nạn nhân. Quýnh quáng, tôi liền cởi chiếc áo đang mặc quấn quanh trán ông, nhằm hạn chế máu chảy và tránh nhiễm trùng. Ngay lúc ấy, bà vợ ông mở cổng, quýnh quáng cùng tôi dìu ông vào nhà, cho ngã người trên chiếc sôfa. Sau mươi phút làm vệ sinh và dán băng bịt kín vết thương, tôi thấy cũng không cần đưa đi bệnh viện. Ông giám đốc, có lẽ do cú va vào đầu quá mạnh, nên tỉnh rất nhanh. Ông nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên, dò xét, tôi cũng nói lại mục đích "lì lợm" của mình, ông ta bắt tay tôi và nói: "Thôi, tôi thua anh. Anh để 50 cái vé ở đây đi, ngày mai qua công ty lấy tiền. Cảm ơn anh đã giúp đỡ tôi...". Tôi làm ngay, cảm ơn, rồi phóng ra xe chạy thật nhanh, chạy như cố thoát khỏi cuộc rượt đuổi của những "hồn ma, bóng quế". Trời bỗng đổ mưa, tôi mới sực tỉnh ra là mình đang trần trùi trụi. Lạnh buốt thịt da, thấm vào tim, gan. Tôi vẫn chạy, mong cho mau tới nhà. Mưa xối xả, nhưng cái giá rét của mình sẽ làm ấm lòng một số đồng bào bị nạn ngoài kia, giờ thì trời trút bao nhiêu nước cũng được.
Đến 10 giờ đêm, tôi gọi điện cho anh Huỳnh Bá Thành, báo tin mình đã lấp được 100 chiếc ghế đó. Lặng một hồi lâu, anh Thành bật khóc, khóc như chưa từng được khóc, nước mắt của người đàn ông dạn dày trận mạc, của người khởi xướng một chương trình nhân văn. Mấy phút sau, anh nói: "Chuyến đi cứu trợ bão lũ miền Trung hai ngày nữa khởi hành, anh giao cho mày làm "thống soái" toàn quyền quyết định chi xuất tùy hoàn cảnh mỗi nơi nha... Tối nay anh ngủ yên, cám ơn em... sự hy sinh này sẽ được bù đắp xứng đáng, cứ vững niềm tin đi...".
Một năm sau, năm 1993, tôi được đề bạt phó tổng biên tập, thì anh Thành lại đột ngột ra đi, ra đi ở tuổi 49, đang trên đỉnh cao sự nghiệp và được nhiều người yêu mến. Tôi mất một người anh chí tình, một người bạn đồng hành chân thành trên con đường làm chuyên môn và công tác từ thiện nhiều gay go, thách thức... "Kiều rằng: Những đấng tài hoa/thác là thể phách, còn là tinh anh"...
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/khuc-bi-trang-trong-mua_163784.html