'Khúc chiến ca' từ những giếng dầu
Ngày giao dịch đầu tuần 3/4, tại hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á, hầu hết các mã cổ phiếu đều đi xuống. Đây là một diễn biến không có gì bất ngờ, khi nó phản ánh và là động thái phù hợp với tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, nối tiếp việc Saudi Arabia và các nước thành viên khác của OPEC cũng như OPEC+ bất ngờ thông báo đợt cắt giảm sản lượng mới.
Cụ thể, một ngày trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo: Nga sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày, cho tới cuối năm 2023. Đây đã là lần thứ hai kể từ đầu năm, Nga tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, sau lần đầu công bố vào tháng 2/2023.
Cùng lúc, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cũng tuyên bố: Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày, kể từ tháng 5 tới cho đến hết năm 2023.
Tương tự, các chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt cho biết rằng họ tự nguyện cắt giảm những con số tương ứng: 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm nay.
“Phi USD hóa” - một làn sóng đã bắt đầu thực sự hiện hữu.
Và xa hơn, từ tận ngày 19/3, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani đã khẳng định: Iraq cam kết duy trì sản lượng dầu khống chế ở mức 220.000 thùng/ngày phù hợp với sản lượng của OPEC+, thậm chí “Chúng tôi yêu cầu một số công ty dầu mỏ hoạt động ở miền Nam Iraq phải cắt giảm sản lượng cho phù hợp với sản lượng chung mà OPEC+ đã đồng thuận" – ông phát biểu, trong một cuộc họp ở Baghdad (theo hãng tin Reuters). Và cụ thể, Iraq quyết định ngừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Khu vực bán tự trị người Kurd và các mỏ ở Bắc Kirkuk.
Nói một cách chính xác, cắt giảm sản lượng là chiến lược mà OPEC+ đã kiên định theo đuổi kể từ nửa cuối năm 2022. Nó được thúc đẩy bởi lợi nhuận hiển nhiên, khi gần như toàn thế giới phải đối diện với tình trạng giá năng lượng tăng vọt, và bóng ma “khủng hoảng năng lượng” vẫn luôn chực chờ bao phủ mọi khu vực trên thế giới.
Động cơ này mạnh mẽ đến mức độ, bất chấp mọi nỗ lực thuyết phục từ các nhà lãnh đạo phương Tây - cho dù là Tổng thống Mỹ Joe Biden, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission) Ursula Von der Leyen – Saudi Arabia, thành viên nòng cốt của OPEC, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trong khối (với khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày), cũng là quốc gia “thân hữu” truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, cũng vẫn chỉ hờ hững “ậm ừ” với các đề nghị tăng sản lượng.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của câu chuyện có lẽ không phải là việc các nước OPEC (và OPEC+) có quan tâm đến những tính toán “tăng sản lượng, hạ giá dầu”, qua đó làm suy yếu tiềm lực của nước Nga từ phương Tây hay không. Thực tế, những mối bận tâm của cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (ngoại trừ Nga) dường như lại “giản dị” hơn nhiều.
Suốt thời kỳ đại dịch toàn cầu COVID-19 hoành hành khiến mọi hoạt động sản xuất – vận tải – phân phối đóng băng, do thừa nguồn cung và thiếu thị trường, họ đã phải chấp nhận “chịu thiệt thòi” trong mọi giao dịch. Những bể chứa khổng lồ cũng không còn chỗ cho lượng dầu khai thác cứ đầy thêm lên mỗi ngày, và khi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc đóng sập cánh cửa, những khoản lợi nhuận nhanh chóng trở nên “bèo bọt”.
Đó là một bài học đắt giá dành cho OPEC cũng như OPEC+ (cộng đồng 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ sở hữu tới khoảng 40% sản lượng dầu thô của toàn thế giới). Bởi vậy, sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga bùng nổ ở miền đông Ukraine khiến giá dầu tăng cao, điều dễ hiểu là những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ xem đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để “lấy lại những gì đã mất”.
Nhưng muốn làm được điều đó, nhất thiết, họ không được phép để tình trạng mất cân bằng cung – cầu tái hiện, và qua đó làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Có lẽ cũng phải nói thêm rằng, Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ “bế quan tỏa cảng” theo phương châm zero COVID, và “đại công xưởng của thế giới” đã hoạt động trở lại. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa kịp tạo nên các tác động thiết thực, nhằm kìm hãm đà trôi xuống của giá dầu. Và vì thế, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ rõ ràng là cần phải tác động vào cán cân cung – cầu bằng những công cụ mạnh mẽ hơn, qua đó bảo đảm duy trì lợi ích kinh tế.
Đến đây, có lẽ cũng cần nhắc tới một diễn biến rất đáng chú ý, dù lướt qua ngỡ không liên quan nhiều lắm đến các vấn đề chung quanh “vũ điệu” của giá dầu.
Ngày 1/4, Chính sách Ngoại thương năm 2023 của Ấn Độ (FTP 2023), được Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal công bố hôm 31/3, bắt đầu có hiệu lực. Giao dịch bằng đồng rupee được coi là trọng tâm của kế hoạch mới, như một phần trong chính sách rộng lớn hơn của New Delhi nhằm đảm bảo vị thế toàn cầu cho đồng tiền này và cho phép đồng rupee được sử dụng để thanh toán thương mại quốc tế.
Trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã thực hiện một số bước hướng tới việc chuyển từ đồng USD sang đồng ruble và đồng rupee trong giao dịch thương mại với Nga. Nga thì đã liên tục thúc đẩy giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng ruble của mình, đồng thời Nga đã đồng ý chuyển sang cơ chế thanh toán bằng đồng rupee đối với hàng nhập khẩu dầu thô của Iran. Mới nhất, Malaysia đồng ý giải quyết thương mại với Ấn Độ bằng đồng rupee, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại.
Sự gắn kết của khối BRICS thách thức trật tự kinh tế toàn cầu do phương Tây dẫn dắt.
OPEC đã có những quyết định cứng rắn.
Hiện tại OPEC và OPEC+ mới là những người làm chủ “cuộc chơi giá dầu” đích thực.
Từ ngày 25/8/2022, Chủ tịch Diễn đàn khối BRICS – bà Purina Anand – đã tuyên bố: “Chúng tôi đã thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng ruble và đồng rupee. Do đó, cả hai quốc gia không cần thiết phải sử dụng đồng USD trong các giao dịch chung. Giờ đây, Trung Quốc cũng đang phát triển một cơ chế thanh toán tương tự bằng đồng ruble và nhân dân tệ”. Và đến ngày 19/3/2023, Trung Quốc cùng Brazil cũng đạt được thỏa thuận sử dụng đồng tiền riêng của hai nước để tiến hành giao dịch thương mại. Sự thống trị của đồng USD (và kém một chút là đồng euro hay đồng bảng Anh) đang bị thách thức mạnh mẽ. Xu hướng “phi USD hóa”, có thể nói, đang hiện hữu và lan tỏa vô cùng sâu rộng, với sự tham gia của không ít nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới.
Vô hình trung, những bước tiến này làm rung chuyển một thông lệ từng được chính Saudi Arabia – quốc gia hạt nhân của OPEC - chấp thuận vào những năm 1970, sau một cuộc khủng hoảng: Sự độc tôn của hệ thống petrodollars, có nguồn gốc từ thỏa thuận Brenton Woods, theo đó quy định rằng giá dầu sẽ được thiết lập dựa trên cơ sở USD. Điều đó có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào muốn mua dầu từ chính phủ Saudi Arabia sẽ phải đổi tiền nước mình thành USD để thanh toán hóa đơn dầu mỏ. Sau này, các nước OPEC còn lại cũng làm theo.
Nói ngắn gọn, hệ thống petrodollar là sự trao đổi dầu lấy USD, giữa những nước mua dầu và những nước sản xuất dầu. Petrodollars giúp cho giá dầu niêm yết bằng đồng USD giữ được sự ổn định.Song, vì chính là USD, nên petrodollars sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế giống như đồng USD. Ví dụ, nếu giá trị của đồng USD giảm, giá trị của petrodollars cũng vậy, và doanh thu từ dầu mỏ của các nước xuất khẩu dầu cũng giảm. Sức mua thực thụ của petrodollars cũng phụ thuộc cả vào tỷ lệ lạm phát cơ bản tại nước Mỹ.
Nhưng bây giờ, càng lúc, tính chất phụ thuộc đó lại đang càng trở nên nhạt nhòa. Nếu OPEC và OPEC+ đã sẵn sàng tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu để bảo toàn lợi ích kinh tế, thì cũng vì lý do ấy, chuyện họ tiến tới giao dịch rộng rãi các thương vụ dầu mỏ theo hướng “phi USD hóa” cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.
* Ảnh trong bài: REUTERS, Shutterstock, AP.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/emagazine/khuc-chien-ca-tu-nhung-gieng-dau-i689146/