'Khúc xương' chung cư cũ

Hàng trăm khu chung cư cũ tại những vị trí đắc địa được coi là 'đất vàng' trong nội đô Hà Nội được thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo.

Hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố thời gian qua khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản hào hứng tham gia. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Nội những năm gần đây, hàng loạt mô hình cải tạo chung cư cũ được các tập đoàn giới thiệu với những bản quy hoạch rất lung linh, đầy kỳ vọng. Vậy nhưng, khi mới tham gia doanh nghiệp hăng hái bao nhiêu thì giờ đây họ lại nản bấy nhiêu.

Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp ví von rằng các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội là “miếng xương khó ăn quá”, không thể nào ăn được dù công ty của ông rất muốn. Bởi doanh nghiệp không thể tự mình đi đàm phán để 100% người dân đồng thuận triển khai, đặc biệt là các hộ đang sinh sống tại tầng 1 với quá nhiều lợi ích đang gắn với họ.

Quy hoạch phân khu giới hạn chiều cao trong các quận nội đô lịch sử cũng là tấm lá chắn khó vượt qua, khiến lợi ích của nhà đầu tư không thể đảm bảo nếu không được tăng mật độ xây dựng, nâng chiều cao công trình, mà doanh nghiệp nếu không có lợi thì chả ông nào bỏ tiền ra đầu tư.

1.500 khu tập thể, chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, phần lớn được xây dựng vào những năm 1960- 1990, nhiều khu đã nguy cấp mức độ D có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như “dậm chân tại chỗ” vì chỉ có hơn 20 chung cư cũ được xây dựng mới, chiếm hơn 1%.

Rõ ràng, Hà Nội không thể tiếp tục hô hào suông. Cải tạo chung cư cũ nhưng cần một tư duy mới trong cách làm. Nếu cứ tiếp tục quan điểm phó mặc cho doanh nghiệp từ đề xuất quy hoạch, giải phóng mặt bằng và yêu cầu phải 100% dân cư được tái định cư tại chỗ là bất khả thi.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế cũ của Hà Nội từ trước đến nay bị ràng buộc ở việc cải tạo chung cư cũ không thể di dời người dân ở đó đi nơi khác. Nếu không có cơ chế để giải bài toán tái định cư thì không bao giờ cải tạo được chung cư cũ. “Muốn một đô thị hiện đại văn minh thì mật độ xây dựng ở khu vực đó giảm xuống chứ không thể xây dựng với mật độ lớn như hiện nay”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, chính quyền thành phố phải chuẩn bị một quỹ nhà, quỹ đất ở thuận lợi để cho người dân không tái định cư tại chỗ vẫn có điều kiện thuận lợi tại nơi ở mới. Nếu di dời ra bên ngoài, người dân được thêm diện tích, bởi hệ số đền bù tăng lên, gấp hơn 2 lần diện tích đang ở chung cư cũ thì họ sẵn sàng đi. Khi đó, quỹ đất các khu chung cư cũ để lại sẽ tiến hành đấu giá triển khai các dự án phù hợp quy hoạch, làm công viên, trường học… Có như vậy mới giải được bài toán quy hoạch và giãn dân khỏi nội đô vốn đã quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.

Để các dự án cải tạo chung cư cũ không còn là “khúc xương” khó nuốt, rõ ràng cần sự vào cuộc thực sự và hành động quyết liệt của lãnh đạo Hà Nội với một “tư duy mới”, chứ nếu để ì ạch như hiện nay, mùa mưa bão sắp đến chỉ cần một khu gặp sự cố là hậu quả khôn lường. Khi đó, chung cư cũ sẽ là “khúc xương” khó nuốt với lãnh đạo Hà Nội chứ không phải các doanh nghiệp bởi trách nhiệm chính trị của lãnh đạo Thủ đô với người dân.

Hà Nhân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khuc-xuong-chung-cu-cu-post1327687.tpo