Khủng hoảng chưa có hồi kết

Cuộc khủng hoảng trong nội bộ nước Anh chưa có dấu hiệu dừng lại khi Quốc hội nước này bác bỏ yêu cầu của chính phủ tạm nghỉ 3 ngày để Đảng Bảo thủ tổ chức hội nghị thường niên.

Việc chính phủ và quốc hội bất đồng đang khiến tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đúng thời hạn càng trở nên khó khăn hơn.

Ngày 25-9 vừa qua, Quốc hội Anh đã trở lại làm việc sau khi Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết rằng quyết định của Thủ tướng Boris Johnson đình chỉ hoạt động của cơ quan lập pháp là trái luật, không có giá trị và không có hiệu lực. Ngay sau đó, Quốc hội đã có động thái “trừng phạt” ông chủ ngôi nhà số 10 phố Downing khi không thông qua đề nghị của ông Boris Johnson cho phép cơ quan lập pháp tạm nghỉ làm việc cho tới ngày 3-10 để Đảng Bảo thủ tiến hành hội nghị thường niên. Với 306 phiếu chống và 289 phiếu thuận, kết quả bỏ phiếu này có thể sẽ buộc Đảng Bảo thủ phải rút ngắn lịch trình hoặc thậm chí phải hủy bỏ hội nghị thường niên dự kiến được tổ chức tại thành phố Manchester từ ngày 29-9 đến 2-10.

Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội Anh bác bỏ đề xuất của chính phủ vì Brexit. Chỉ cần thống kê từ thời điểm cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh nên “ở lại” hay “ra đi” khỏi mái nhà chung châu Âu hồi tháng 6-2016 đến nay thì thấy rõ. Sau sự ra đi của cựu Thủ tướng David Cameron, việc Quốc hội 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đạt được với EU hồi tháng 11-2018 cho thấy hai bên còn tồn tại quan điểm khác biệt đối với Brexit. Cho đến nay, điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit.

Khi lên lãnh đạo xứ sở sương mù thay người tiền nhiệm Theresa May, ông Boris Johnson được kỳ vọng có thể hóa giải bất đồng giữa những thành viên nội các với các nghị sĩ trong quốc hội để tìm tới giải pháp tối ưu cho tiến trình Brexit. Thế nhưng, quan điểm cứng rắn về việc nước Anh ra khỏi EU với bất cứ giá nào của ông Boris Johnson khiến mâu thuẫn giữa chính phủ và quốc hội càng trở nên sâu sắc hơn. Quốc hội Anh cho rằng, việc Thủ tướng Boris Johnson tham vấn Nữ hoàng nhằm tạm thời đình chỉ hoạt động của Quốc hội là “vi hiến”, lạm quyền. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Anh lại cáo buộc quốc hội tìm cách cản trở tiến trình Brexit, do vậy, ông sẽ không kéo dài thời hạn "ly hôn" tới đầu năm 2020 theo yêu cầu của các ông nghị.

Việc chính phủ và quốc hội bất đồng quan điểm về Brexit khiến tiến trình Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 càng trở nên mong manh hơn. Hiện có 4 kịch bản cho tiến trình Brexit, gồm: Dời ngày "ly hôn", bầu cử sớm, Brexit có thỏa thuận hay không có thỏa thuận. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong hơn 3 năm qua trên chính trường Anh cho thấy không có bất cứ một kịch bản nào được coi là chắc chắn khi các nhánh quyền lực đối đầu nhau một cách bế tắc như hiện nay. Trước kia thì chỉ có nhánh hành pháp và lập pháp, và nay thêm cả nhánh tư pháp cũng bị lôi vào cuộc.

Kịch bản tốt nhất là từ nay cho đến trước Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-10 tới, London và Brussels phải đạt được thỏa thuận Brexit và Quốc hội Anh chấp nhận thỏa thuận đó để kịp cho Anh rời EU vào ngày 31-10-2019 trong trật tự. Nhưng thời gian còn lại là rất ít mà Chính phủ Anh thậm chí còn chưa đưa ra đề xuất, nên khả năng đạt thỏa thuận cũng không cao, do bất cứ thỏa thuận nào cũng cần phải được 27 nước thành viên EU chấp nhận.

Trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận trước ngày 19-10 thì lúc đó theo luật Thủ tướng Boris Johnson buộc phải đề nghị EU lùi Brexit đến ngày 31-1-2020. Nhưng ông Boris Johnson không bao giờ chấp nhận lùi bước nên chính trường Anh rất dễ rơi vào tình thế hỗn loạn mới, khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở xứ sở sương mù không tìm ra lối thoát.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/khung-hoang-chua-co-hoi-ket-592270