Khủng hoảng nhân khẩu học, Trung Quốc kêu gọi người trẻ sớm chuẩn bị cho tuổi già

Để giảm bớt áp lực cho hệ thống an sinh xã hội, chính phủ Trung Quốc gần đây đã khuyến khích tầng lớp thanh niên chuẩn bị từ sớm cho kế hoạch nghỉ hưu và nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống lương hưu cá nhân mới mở rộng – một chương trình bổ sung tự nguyện nhằm khuyến khích các cá nhân xây dựng khoản tiết kiệm hưu trí.

Giữa bối cảnh việc làm bất ổn, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tiền lương gần như không tăng, áp lực về nhà ở và hôn nhân, hầu hết người trẻ đều cho rằng họ quá bận tâm với thực tại thay vì nghĩ tới tương lai. (Nguồn: VCG)

Giữa bối cảnh việc làm bất ổn, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tiền lương gần như không tăng, áp lực về nhà ở và hôn nhân, hầu hết người trẻ đều cho rằng họ quá bận tâm với thực tại thay vì nghĩ tới tương lai. (Nguồn: VCG)

Theo đó, những người tham gia có thể đóng góp tới 12.000 NDT (1.666 USD) hàng năm vào các tài khoản được chỉ định. Chương trình sẽ cung cấp các ưu đãi về thuế và chế độ đãi ngộ đặc thù đối với lợi nhuận đầu tư, cho phép người dân được phép rút tiền khi đến tuổi nghỉ hưu.

Dù vậy, chỉ một số rất ít người lao động trẻ muốn lập kế hoạch xa như vậy, theo các nhà phân tích. Đối với nhiều người, lời kêu gọi của chính phủ dường như chưa phù hợp với thực tế.

Giữa bối cảnh việc làm bất ổn, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tiền lương gần như không tăng, áp lực về nhà ở và hôn nhân, hầu hết người trẻ đều cho rằng họ quá bận tâm với thực tại thay vì nghĩ tới tương lai.

“Không có ích gì khi liên tục lo lắng về tương lai. Tôi chỉ muốn tập trung sống tốt ngay bây giờ. Chắc chắn, nghỉ hưu là thời điểm quan trọng, nhưng chỉ nghĩ về nó thì không giúp ích gì, chỉ tạo ra căng thẳng. Ai mà biết được, có thể tôi sẽ mua một chú robot để chăm sóc mình khi về già”, Wu Ruoshi, 29 tuổi, nhân viên thuộc khu vực công ở Vũ Hán cho biết.

Còn theo Chen Wei, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển dân số thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, với áp lực rất lớn mà những người trẻ đang phải đối mặt ngày nay, từ công việc, thu nhập cho đến hôn nhân, họ chắc chắn không có thời gian để nghĩ về tuổi già.

Theo báo cáo được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc công bố năm 2019, Quỹ hưu trí dành cho người lao động thành thị của Trung Quốc - xương sống của hệ thống hưu trí nhà nước, có thể cạn kiệt tiền vào năm 2035 do lực lượng lao động sẵn có suy giảm dần.

Đối với nhiều người, việc làm là hình thức an sinh hưu trí tốt nhất vì khi đi làm, người lao động sẽ tự động được ghi danh vào hệ thống hưu trí, Yuan Xin, Phó Chủ tịch Hiệp hội dân số Trung Quốc cho biết.

Dữ liệu mới nhất của Thượng Hải cho thấy cứ hai cư dân trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi, hiện đang hỗ trợ một người già từ 65 tuổi trở lên và gánh nặng đang tăng lên. Mặc dù nhận thức rõ rằng hệ thống lương hưu nhà nước có thể không bền vững trong dài hạn, nhiều người trẻ hiện tại vẫn còn do dự chưa muốn hành động.

“Tôi chỉ cảm thấy rằng không có lý do gì để nghĩ đến chuyện nghỉ hưu lúc này, không ai biết tương lai sẽ ra sao. Thay vì lo lắng về lương hưu, tôi muốn tập trung vào việc tiết kiệm một ít tiền”, Mark Tang, 30 tuổi, chuyên viên đang làm việc cho một công ty Internet tại Bắc Kinh nói. Tang cũng nói thêm, anh không có kế hoạch tham gia chương trình hưu trí cá nhân.

Tình trạng già hóa dân số nhanh chóng đang đè nặng lên hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc. (Nguồn: Douyin)

Tình trạng già hóa dân số nhanh chóng đang đè nặng lên hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc. (Nguồn: Douyin)

Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, được biểu hiện qua tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa nhanh chóng. Đến cuối năm 2024, theo số liệu chính thức, cả nước có 310,31 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 22% tổng dân số, trong đó có 220,23 triệu người từ 65 tuổi trở lên, tương đương 15,6%.

Sự mất cân bằng nhân khẩu học thậm chí còn rõ rệt hơn ở các thành phố lớn. Tại Thượng Hải, thủ đô về kinh tế của Trung Quốc, từ cuối năm 2024 số cư dân từ 60 tuổi trở lên là 5,78 triệu người, chiếm 37,6% dân số. Đáng chú ý, trong số đó, có tới 336.200 người cao tuổi sống một mình, khoảng 27.400 người không có con cái hay sự hỗ trợ từ gia đình. 29,4% dân số của thành phố từ 65 tuổi trở lên, ngang bằng với các quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới.

Năm ngoái, để ứng phó với bối cảnh già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của nam giới tăng từ 60 lên 63, nhân viên văn phòng nữ từ 55 lên 58, lao động phổ thông, tăng từ 50 lên 55.

Dù nhìn chung giới trẻ Trung Quốc đều không mấy mặn mà với việc lên kế hoạch nghỉ hưu từ trước nhưng vẫn có một bộ phận thanh niên háo hức chuẩn bị sẵn cho tương lai sau này, đặc biệt trong bối cảnh hôn nhân và việc có con không còn là sự lựa chọn hàng đầu.

"Với tôi, việc chuẩn bị từ sớm cho tuổi già không hẳn là nỗi lo mà là phản ứng sáng suốt trước bối cảnh tương lai đầy bất định", một người trẻ chia sẻ.

(theo SCMP)

Trần Hinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nhan-khau-hoc-trung-quoc-keu-goi-nguoi-tre-som-chuan-bi-cho-tuoi-gia-313309.html