Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 1: Đổi thay nhờ dòng vốn

Hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chủ trương đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Kiên Giang còn 0,99% vào cuối năm 2024.

Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang triển khai thực hiện trên 20 chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.

ĐIỂM TỰA CỦA NGƯỜI NGHÈO

Từ năm 2016, vợ chồng bà Huỳnh Thị Khéo, ngụ xã Đông Yên (An Biên) chuyển từ trồng lúa mùa sang mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa trên đất thuê. Giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn do đất nhiễm phèn, chi phí cao. Được ngành chuyên môn hỗ trợ tập huấn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên cho vay 30 triệu đồng, gia đình bà từng bước phát triển sản xuất. Nắm vững kỹ thuật và rút kinh nghiệm từ thực tế, vợ chồng bà Khéo mạnh dạn triển khai mô hình sản xuất ghép “4 trong 1” gồm nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua và lúa.

Gia đình bà Huỳnh Thị Khéo, ngụ xã Đông Yên (An Biên) thu hoạch tôm càng xanh.

Gia đình bà Huỳnh Thị Khéo, ngụ xã Đông Yên (An Biên) thu hoạch tôm càng xanh.

Hàng năm, mô hình này giúp gia đình bà Khéo có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, trở thành hộ khá giả của xã. “Mần ăn có kế hoạch, có vốn, có kỹ thuật là thắng”, bà Khéo nói. Xã Đông Yên từng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì huyện An Biên, nay vươn lên trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Thành quả ấy ngoài đầu tư hạ tầng còn nhờ dòng vốn tín dụng chính sách được “rót” đúng chỗ, đúng người, kịp thời.

Ở phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá), giữa vùng đất mà phần đông chọn trồng lúa để mưu sinh, vợ chồng ông Đoàn Văn Nhiều lại chọn trồng hoa và rau màu. Chính lựa chọn này đưa gia đình ông Nhiều thoát nghèo, vươn lên khá giả. Để có được thành công hôm nay, gia đình ông Nhiều nhiều lần nhờ cậy đến nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ năm 2020 đến nay, ông Nhiều hai lần được vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số 80 triệu đồng. Nhờ nguồn lực kịp thời này, hơn 5.000m² đất của gia đình được phủ kín hoa huệ, vạn thọ, đậu bắp, bầu, mướp mang lại thu nhập đều đặn. “Bình quân mỗi ngày tôi lời khoảng 700.000 đồng, tết còn thu về thêm 80 triệu đồng/vụ”, ông Nhiều chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Nhiều (bên trái), ngụ phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) trao đổi với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về mô hình trồng huệ trắng của gia đình.

Ông Đoàn Văn Nhiều (bên trái), ngụ phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) trao đổi với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về mô hình trồng huệ trắng của gia đình.

Nhờ tín dụng chính sách và sự chăm chỉ, gia đình ông Nhiều đủ sức cho hai con ăn học đàng hoàng. Trường hợp của gia đình ông Nhiều, bà Khéo là minh chứng sống động cho hiệu quả và vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

TIẾP SỨC ĐƯA NÔNG SẢN ĐI XA

Gần 20 năm lặn lội thu mua nông sản ở vùng đệm U Minh Thượng, nơi đất rừng giao hòa với nước ngọt, bà Trần Thị Vỹ, ngụ xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) sớm nhận ra khoai mộng linh không chỉ ngon mà còn rất có tiềm năng thương mại. Tuy nhiên, không ai ký hợp đồng, giá không ổn định nên có năm bán 14.000 đồng/kg, nhưng vài tuần sau giá sụt xuống còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Người trồng thua lỗ, thương lái lắc đầu.

Không cam lòng để đặc sản quê nhà mãi luẩn quẩn đầu kênh cuối ruộng, năm 2018, bà Trần Thị Vỹ quyết định thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 với 56 thành viên và 156ha. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, bà Vỹ chủ động liên hệ Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm NFC (Đồng Nai) chuyên xuất khẩu thực phẩm từ nông sản để thuyết phục ký hợp đồng thu mua khoai mỡ với giá ổn định, đảm bảo nông dân có lời. Kết quả sản lượng khoai mỡ tăng đều qua mỗi năm, từ sản lượng bao tiêu chỉ 25 tấn vào năm 2021, đến năm 2022 tăng lên 80 tấn và đến năm 2025 con số này tăng lên 500 tấn.

“Năm nay, khoai mỡ mộng linh được mùa. Bà con mừng lắm, không còn nỗi lo bị ép giá như trước nữa. Càng tự hào hơn khi củ khoai quê nhà được công ty chế biến và xuất khẩu”, bà Vỹ nói.

Bà Trần Thị Vỹ (bìa trái) cùng thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 phân loại khoa mỡ mộng linh giao cho công ty.

Bà Trần Thị Vỹ (bìa trái) cùng thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 phân loại khoa mỡ mộng linh giao cho công ty.

Hiện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 còn ký kết với Công ty Vua Biển (TP. Rạch Giá) cung ứng rau củ quả sạch. Mục tiêu của bà Vỹ là xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín, giúp người dân trồng an toàn, bán đúng giá. Ngoài ra, bà Vỹ đang phối hợp với Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án sản xuất sữa từ củ nùng - hướng đi mới đầy tiềm năng nhằm gia tăng giá trị nông sản địa phương.

Đằng sau những quyết định đột phá ấy của bà Vỹ có một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là vốn tín dụng chính sách. “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi không thể thuê đất mở rộng vùng trồng, đầu tư hệ thống nhà lưới, giống sạch hay hỗ trợ kỹ thuật cho người dân”, bà Vỹ chia sẻ.

Từ đôi bàn tay trắng, bà Trần Thị Vỹ đưa khoai mỡ mộng linh vươn ra thị trường thế giới, để rồi từng mùa vụ là một mùa vui, từng chuyến xe nông sản là một lần quê hương được nhắc tên nơi đất khách. Nhưng sâu xa hơn, câu chuyện của bà không chỉ là chuyện làm ăn mà là minh chứng sống động cho sức mạnh của niềm tin khi nông dân được tiếp sức đúng lúc bằng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chính những đồng vốn nghĩa tình từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 có thể thuê đất, mua giống, đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất và tự tin bắt tay vào làm chủ chuỗi giá trị nông sản. Vốn vay không chỉ “giải cơn khát” tạm thời mà còn là đòn bẩy để những ước mơ vươn xa.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt cho biết: “Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đến các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, làm chuyển biến nhận thức từ chỗ tín dụng chính sách là việc của ngân hàng sang trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị”.

Từ năm 2014, 100% chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tham gia Ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn.

Thông qua sự phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã đưa nguồn vốn ưu đãi, khuyến khích người dân đổi mới tư duy và định hướng đầu tư. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Thái Văn Phúc cho biết: “Tính đến tháng 4-2025, hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang hỗ trợ cho hơn 50.100 hộ nông dân vay 1.938,2 tỷ đồng. Nhiều hộ thoát nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động”.

Đến cuối năm 2024, tròn 10 năm Kiên Giang thực hiện đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh đạt 6.104,7 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so năm 2014. Toàn tỉnh có hơn 408.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, trong đó hơn 59.000 hộ đã thoát nghèo, trên 47.000 người lao động được tạo việc làm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,998%, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt khẳng định: “Tín dụng chính sách không chỉ là chương trình tài chính mà còn là nhịp cầu nhân ái nối từ ý Đảng tới lòng dân. Những hộ nghèo hôm qua, nhờ sự tiếp sức kịp thời, đã tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống hôm nay. Kết quả đạt được cho thấy Chỉ thị số 40-CT/TW không chỉ là kim chỉ nam trong công tác tín dụng chính sách mà còn là động lực lan tỏa niềm tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Bài 2: Đưa vốn đến từng đối tượng

Bài cuối: Tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/tin-dung-chinh-sach-nhip-cau-noi-y-dang-voi-long-dan-bai-1-doi-thay-nho-dong-von-26472.html