Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài cuối: Tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Đến tháng 4-2025, Kiên Giang có 116 xã nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 8 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đạt được những con số ấn tượng này là từ nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó có sự giúp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

GỠ “NÚT THẮT” TIÊU CHÍ KHÓ

Khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phát động năm 2010, nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Kiên Giang tích cực bắt tay vào công cuộc thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, hành trình ấy không dễ dàng, nhất là khi phải đối mặt với “nút thắt” vô cùng nan giải là xóa bỏ nhà vệ sinh trên sông - thực trạng tồn tại hàng chục năm, ăn sâu vào thói quen sinh hoạt của người dân.

Đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp ở xã Giục Tượng (Châu Thành).

Đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp ở xã Giục Tượng (Châu Thành).

Tại ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng (Châu Thành), năm 2019, khi địa phương triển khai chiến dịch tháo dỡ nhà vệ sinh trên sông, ấp vấp phải không ít phản ứng trái chiều. “Người dân nói ủng hộ chủ trương, nhưng rồi hỏi đi đâu vệ sinh. Có người ra đồng, có người tính làm cầu cá sau nhà vì không có tiền, không có đất để xây nhà vệ sinh đạt chuẩn”, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Lợi Danh Đức Thuần nhớ lại. Có hộ còn bức xúc lớn tiếng khiến không khí trong ấp thời gian ấy căng thẳng.

Trước thực tế đó, lãnh đạo xã, ấp không chỉ đơn thuần tuyên truyền, vận động. Giải pháp hiệu quả được đưa ra lúc bấy giờ là tận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ người dân xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, người dân bắt đầu chuyển biến nhận thức, đồng thuận thực hiện.

Kết quả, hiện 100% hộ dân ở xã Giục Tượng có nhà vệ sinh đúng nơi quy định, chấm dứt hoàn toàn tình trạng nhà vệ sinh trên sông, giúp xã hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trước khi về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang, 10 năm qua, toàn tỉnh có hơn 289.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Từ tiêu chí từng được xem là khó thực hiện nhất, Kiên Giang khéo léo tháo gỡ bằng chính sách nhân văn và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Và giờ đây, những dòng kênh trong xanh, làng xóm sạch đẹp là minh chứng rõ nét cho nông thôn mới văn minh, bền vững.

TIẾP SỨC HỢP TÁC XÃ

Trong cái nắng oi ả của những ngày tháng 4-2025, không khí làm việc tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) rộn ràng. Đơn hàng từ các doanh nghiệp xuất khẩu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương dồn dập khiến nhà xưởng hoạt động hết công suất. Và để kịp “chạy” các đơn hàng lớn, hợp tác xã vừa được “tiếp sức” đúng lúc với 520 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Thuận.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư lò sấy tôm khô giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư lò sấy tôm khô giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thành lập từ năm 2019, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát nhanh chóng gây dựng thương hiệu với 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm khô cá lóc, khô cá kèo, tôm khô, mắm cá lóc và tôm chua. “Mỗi năm, hợp tác xã thu mua khoảng 80 tấn tôm nguyên liệu, chế biến khoảng 20 tấn sản phẩm, góp phần tiêu thụ nông sản cho hàng trăm hộ dân trong vùng”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận Hà Văn Chủ nói.

Khi được tiếp vốn, hợp tác xã đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, nâng chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ đắt hàng nhờ đặc sản vùng sông nước, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát còn “hồi sinh” làng nghề đan lát từ lục bình ở ấp Ruộng Sạ 2 từng suýt mai một. Hơn 300 người lao động, chủ yếu là phụ nữ có việc làm thường xuyên. Những đôi tay khéo léo của các chị vẫn ngày đêm miệt mài đan từng chiếc giỏ lục bình mang nét mộc mạc, bình dị của miền sông nước đi khắp nơi.

Bên giỏ lục bình đang hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Thảo nói: “Nhờ hợp tác xã vực dậy làng nghề nên bà con phấn khởi. Hàng ra tới đâu hết tới đó. Có việc làm, có thu nhập, chúng tôi cho con ăn học, cải thiện thu nhập gia đình”.

Người dân làng nghề truyền thống đan đát lục bình ấp Ruộng Sạ 2 đan đát sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu.

Người dân làng nghề truyền thống đan đát lục bình ấp Ruộng Sạ 2 đan đát sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu.

TIẾP THÊM NGUỒN LỰC

Tỷ lệ nguồn vốn địa phương tăng đáng kể, nhất là nguồn vốn ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố cân đối nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 500 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, tăng 470 tỷ đồng so với năm 2014. Có 15/15 đơn vị nhận ủy thác từ ngân sách địa phương và vượt chỉ tiêu được giao.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận cho biết: “Nguồn vốn ủy thác địa phương của Kiên Giang đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điểm tích cực thể hiện các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến việc dành nguồn vốn ngân sách địa phương cho việc thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, góp phần đưa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống”.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp trên 3.000 lượt hộ nghèo, gần 1.500 lượt hộ cận nghèo và hơn 300 hộ mới thoát nghèo của tỉnh được vay vốn phát triển kinh tế. Cũng với nguồn vốn này, cấp ủy, chính quyền các địa phương có nguồn lực cùng nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt, để tiếp tục thực hiện thành công Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy có Kế hoạch số 269-KH/TU, ngày 9-1-2025 quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30-10-2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hàng năm chiếm từ 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh; cơ cấu nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương theo hướng ổn định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Bài 1: Đổi thay nhờ dòng vốn

Bài 2: Đưa vốn đến từng đối tượng

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/tin-dung-chinh-sach-nhip-cau-noi-y-dang-voi-long-dan-bai-cuoi-tiep-suc-xay-dung-nong-thon-moi-26473.html