Khủng hoảng nợ từng đe dọa thế giới

Nỗi lo khoản nợ hơn 300 tỉ USD của Tập đoàn Bất động sản Evergrande ở Trung Quốc khiến nhiều người nghĩ ngay tới vụ Ngân hàng Lehman Brothers gây khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.

Tháng 9-2008, Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỉ USD, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong gần 10 năm. Các thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc, tín dụng bị đóng băng, hàng triệu người mất việc, các nhà đầu tư lo sợ hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị nổ tung. Khi đó, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư xếp thứ 4 về quy mô của Mỹ, có 25.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Lehman Brothers chỉ là một trong những quân cờ domino bị sụp đổ trong một phản ứng dây chuyền đầu năm 2008. Bear Stearns, một trong 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall thời điểm đó, cầu cứu và được Tập đoàn JPMorgan Chase mua lại với khoản hỗ trợ 30 tỉ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Nhân viên rời khỏi Ngân hàng Lehman Brothers có trụ sở chính tại New York - Mỹ sau khi tuyên bố phá sản ngày 15-9-2008. Ảnh: AP

Nhân viên rời khỏi Ngân hàng Lehman Brothers có trụ sở chính tại New York - Mỹ sau khi tuyên bố phá sản ngày 15-9-2008. Ảnh: AP

Tờ Sydney Morning Herald (Úc) dẫn nhận định đầy ảm đạm của chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ ngập trong núi nợ, có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều biện pháp cải cách được thực hiện và hệ thống tài chính dần mạnh lên. Sự thay đổi quan trọng nhất của lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu về tỉ trọng vốn và chất lượng vốn tăng mạnh.

Theo trang Bloomberg, Lehman Brothers và các ngân hàng lớn khác từng có rất ít vốn để dự phòng vào năm 2007, chỉ khoảng 2 USD đối với mỗi khối tài sản trị giá 100 USD. Sau đó, số vốn của các ngân hàng cho mỗi khối tài sản tương tự là gần 7 USD.

Như vậy, vùng đệm lớn hơn giúp lĩnh vực ngân hàng có thể xử lý được những thua lỗ không thể lường trước khi cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo xảy ra.

Hoạt động huy động vốn cũng ổn định hơn. Một nửa số vốn huy động trong ngắn hạn đến từ tiền gửi, thay vì từ thỏa thuận mua lại qua đêm và các nguồn tài chính không ổn định như trước kia.

Các ngân hàng lớn tránh những mảng giao dịch rủi ro cao và hướng tới những nghiệp vụ đơn giản, ví dụ cho các công ty và người tiêu dùng vay nợ. Thêm vào đó, mỗi năm các nhà quản lý thị trường tài chính lại kiểm tra các tổ chức tài chính một lần để bảo đảm có thể đứng vững trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Trước vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, tháng 12-2001, tập đoàn dầu khí hàng đầu Mỹ Enron nộp đơn xin phá sản. Số nợ 1,2 tỉ USD bị giấu nhẹm khiến thị trường chứng khoán hoảng loạn khi bị phanh phui. Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao tuột dốc không phanh, chỉ còn chưa tới 1 USD. Vụ phá sản của Enron kéo theo sự sụp đổ của Arthur Andersen - hãng kiểm toán lớn thứ 5 thế giới lúc bấy giờ.

Enron đổ sụp dẫn tới sự ra đời của những quy tắc và luật lệ mới nhằm tăng cường tính xác thực của báo cáo tài chính. Tháng 7-2002, Tổng thống George W. Bush ký thông qua đạo luật Sarbanes-Oxley, gia tăng mức phạt cho việc phá hủy, thay đổi, bịa đặt báo cáo tài chính và toan tính lừa gạt cổ đông.

Đạo luật Sarbanes-Oxley cho phép việc thành lập Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) để siết chặt việc giám sát doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực kế toán và hạn chế các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ phi kiểm toán cho cùng một khách hàng.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-no-tung-de-doa-the-gioi-2021092421001858.htm