Khủng hoảng Ukraine - Nga buộc các quốc gia khai phá cách định giá dầu mới
Theo Ngoại trưởng Qatar, cuộc xung đột Ukraine và sự phân chia địa chính trị đang buộc một số quốc gia phải xem xét các cách định giá dầu mới mà không định giá bằng đồng đô la.
Ngoại trưởng Al-Thani đưa ra nhận xét hôm 26/3, rằng Ả Rập Xê Út đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc để chấp nhận thanh toán dầu thô bằng đồng nhân dân tệ thay vì dùng đồng đô la.
Khủng hoảng Nga – Ukraine ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung dầu tại các quốc gia châu Âu, khiến khu vực này ‘lao đao’ tìm kiếm giải pháp mới. Ảnh: Internet.
Phát biểu tại Diễn đàn Doha, Al-Thani tuyên bố rằng ông không mong đợi một hệ thống như vậy được triển khai trong tương lai gần, nhưng nhấn mạnh rằng hậu quả kinh tế của cuộc chiến Ukraine đang làm tổn thương một số quốc gia đặc biệt về mặt kinh tế.
Ông nói: “Thành thật mà nói, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra và những động lực xung quanh chúng ta ngay bây giờ. Tôi chắc rằng có nhiều quốc gia khác không hài lòng với những gì đã xảy ra và hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga, đặc biệt là hậu quả đối với kinh tế.
Vì vậy, khi quyết định một cách nghiêm túc về quá trình chuyển đổi này, đó sẽ không chỉ đơn thuần là một quá trình chuyển đổi chính trị mà nó còn là một quá trình chuyển đổi kinh tế".
Tuần trước, ông Gal Luft - đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, nhận định rằng các hình phạt kinh tế ‘nhức nhối’ của Hoa Kỳ có thể tách các quốc gia vốn mua dầu bằng đồng đô la - đồng tiền thường được định giá bằng dầu.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng nguồn dự trữ ngân hàng trung ương của Nga và đẩy Nga ra khỏi hệ thống SWIFT.
Theo Al-Thani, Qatar cũng cho biết nước này đang đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc đàm phán với các nước châu Âu về việc tăng cường cung cấp khí đốt. Đồng thời, nhấn mạnh rằng phần lớn các hợp đồng khí đốt của họ là dài hạn và vì vậy không thể dễ dàng mà thay đổi.
Điều đó xảy ra vào thời điểm các nước châu Âu trong ‘cơn khát’ khí đốt và dầu mỏ, và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng thay vì Nga như trong quá khứ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, EU đã nhập khẩu 45% khí đốt từ Nga vào năm ngoái.
Hôm 25/3, Mỹ cho biết họ đang tìm cách làm việc với các đối tác, trong đó có Qatar để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay, và có thể tăng lên trong tương lai.
Tuy nhiên theo ông Al-Thani, không một nhà cung cấp năng lượng nào có thể thay thế một ‘cường quốc’ về năng lượng như Nga. Ông cho rằng, biện pháp tối ưu trước mắt là đa dạng hóa nguồn cung cấp, đây sẽ là con đường bền bỉ duy nhất. Hiện tại, nước này đang thảo luận với rất nhiều quốc gia châu Âu về vấn đề này.
Lê Na (Theo CNBC)