Khủng long đã kiệt sức?
Hơn ba thập kỷ tung hoành, 'Jurassic Park' và 'Jurassic World' liên tục mang về hàng tỷ USD. Chính cơn khát thương mại khiến loạt phim khủng long rơi vào cảnh bị vắt sữa.
Có lẽ chẳng ai có thể ngờ rằng khủng long mang về 6,4 tỷ USD cho Universal Pictures qua loạt phim Jurassic Park và Jurassic World. Đây cũng là thương hiệu ăn khách nhất nhì tại kinh đô điện ảnh, sánh ngang Star Wars, James Bond, Avatar …
Thế nhưng, Jurassic World Rebirth - cuộc phiêu lưu mới nhất về con người trong thế giới khủng long để lại nhiều suy ngẫm. Doanh thu là cần thiết nhưng “vắt sữa” thương hiệu chưa chắc là chiến lược hiệu quả. Transformers, Kung Fu Panda, Fast & Furious là những minh chứng thực tế.
Cỗ máy in tiền đồ sộ
32 năm trước, Steven Spielberg - huyền thoại trong làng điện ảnh thế giới là người đặt nền móng cho loạt phim với Jurassic Park (1993). Đến giờ, nhiều khán giả vẫn vẹn nguyên cảm giác thấp thỏm, hồi hộp mỗi khi dàn nhân vật chạm trán khủng long bạo chúa T-Rex. Những cảm xúc chân thực đó chuyển hóa thành con số không tưởng.
Ngay khi ra mắt, Jurassic Park trở thành bom tấn, oanh tạc phòng vé khi thu về 1,1 tỷ USD so với kinh phí sản xuất vỏn vẹn 63 triệu USD, theo Box Office Mojo. Chưa dừng lại ở đó, tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, khẳng định đanh thép bằng 3 tượng vàng Oscar 1994.
Đương nhiên, doanh thu và giải thưởng đồ sộ là động lực, thôi thúc hãng phim đưa khủng long trở lại màn ảnh rộng. Tiếc rằng, hai phần hậu truyện The Lost World: Jurassic Park (1997) và Jurassic Park III (2001) đều không mang lại hiệu ứng như mong đợi, lần lượt thu về 618 triệu USD và 368 triệu USD.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận hình tượng khủng long trong loạt phim trở thành biểu tượng đại chúng, gắn liền tuổi thơ, đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ khán giả.

Cơn sốt khủng long chưa bao giờ hạ nhiệt.
14 năm sau, thương hiệu khủng long rã đông, thay da đổi thịt với tên gọi Jurassic World (2015). Theo đó, Jurassic World không phải là reboot (tái khởi động), mà là direct sequel (hậu truyện trực tiếp) từ Jurassic Park. Đơn giản hơn, Jurassic Park là quá khứ còn Jurassic World là hiện tại.
Ấn tượng là bởi hơn một thập kỷ vắng bóng, siêu anh hùng bành trướng thì khủng long vẫn là chủ đề được săn đón. Màn tái xuất tái hiện kỳ tích phòng vé khi mang về 1,6 tỷ USD so với kinh phí sản xuất 150 triệu USD. Đồng thời, tác phẩm gieo rắc kỳ vọng rằng định hướng mới mang đến nhiều câu chuyện, chuyến phiêu lưu hấp dẫn hơn.
Nghịch lý xuất hiện khi Jurassic World: Fallen Kingdom (2018) và Jurassic World: Dominion (2022) đều sa sút về nội dung, song cả hai vẫn gia nhập câu lạc bộ tỷ đô. Lần lượt là 1,3 tỷ USD và 1 tỷ USD. Tuần trước, hãng phim háo hức trình làng Jurassic World Rebirth.
Thị hiếu người xem không ngừng thay đổi, “Jurassic” vẫn là cái tên bảo chứng phòng vé. Khai thác đủ loại nội dung từ hồi sinh, hủy diệt cho tới buôn bán, mổ xẻ, chỉ cần thấy khủng long xuất hiện, khán giả sẵn sàng chi tiền để thưởng thức. Điều đó dẫn đến câu hỏi khủng long có thực sự hấp dẫn hay thị trường khan hiếm tác phẩm về sinh vật này?.
Khủng long đã thấm mệt
Tiến hóa là từ mô tả chính xác diện mạo bầy khủng long trong Jurassic World Rebirth (tựa Việt: Thế giới khủng long: Tái sinh). Trong đó, Mutadon và Distortus Rex (D-Rex) ra đời từ trí tưởng tượng phong phú của David Koepp - biên kịch từng chấp bút cho bom tấn Jurassic Park (1993).
Thực tế, việc nâng cấp nhân vật để "vắt sữa" thương hiệu ăn khách là điều quen thuộc tại Hollywood. Một số cái tên có thể kể đến như Offspring trong Alien: Romulus (2024), Dante Reyes trong Fast X (2023), loạt phim Insidious, Pirates of the Caribbean, Terminator.
Một điều không thể phủ nhận là việc Steven Spielberg rời khỏi ghế đạo diễn khiến vũ trụ khủng long bớt đi sự hùng vĩ và nhiệm màu. Đáng nói, hơn ba thập kỷ, câu chuyện về khủng long dậm chân tại chỗ, kịch bản cũ kỹ, thiếu đột phá. Vẫn là chuyến phiêu lưu nơi khủng long rượt đuổi con người kịch tính. Để rồi con người - được xây dựng với lòng tham vô tận luôn tìm cách chạm mặt khủng long trong những phần phim tiếp theo.

Khủng long kiệt sức với loạt phim tỷ đô.
Và trả lời cho câu hỏi trước đó, cả hai đáp án đều đúng. Doanh thu tỷ đô phần nào khẳng định khán giả không quan tâm điều gì khác ngoài khủng long. Họ đến rạp để xem con người và khủng long tương tác, một trải nghiệm xa xỉ bởi sinh vật này không còn tồn tại trên thế giới. Ngoài Jurassic Park và Jurassic World, thị trường thiếu thốn phim khủng long dẫn đến việc thương hiệu độc chiếm miếng bánh doanh thu trong nhiều thập kỷ.
Trái ngược cảm xúc chân thực thuở ban đầu là sự biến tướng đến xa lạ. Chẳng hạn, Jurassic World và Jurassic World: Fallen Kingdom vũ khí hóa, thương mại hóa khủng long phục vụ nhu cầu của con người. Tiếp đó, Jurassic World: Dominion và Jurassic World Rebirth nỗ lực tiến hóa để làm mới. Tình cảnh gợi nhớ khoảnh khắc một con Brachiosaurus tuyệt vọng trước thảm họa núi lửa, nói cách khác khủng long đã thấm mệt.
Từ 1993 tới 2025, khủng long là ngôi sao của loạt phim. Chúng xứng đáng được khắc họa ấn tượng hơn thay vì trở thành công cụ để kể những câu chuyện nhàm chán. Khán giả cũng cần nhận về giá trị tương xứng cho sự trung thành với thương hiệu. Trước mắt, Jurassic World có thể tiếp tục giải cơn khát doanh thu, song về lâu dài, khủng long đối diện nguy cơ tuyệt chủng trên màn ảnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/khung-long-da-kiet-suc-post1567529.html