Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ IV)
Ai Cập đã tham gia nhiều Hiệp định và Hiệp ước quốc tế, song phương và đa phương, để tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí cũng như giải quyết các tranh chấp nảy sinh.
Các Hiệp ước đầu tư song phương và đa phương
Ai Cập là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Ả Rập (OAPEC) từ năm 1973. Đây là một tổ chức liên chính phủ có trụ sở chính tại Kuwait, có mục tiêu chính là điều phối chính sách năng lượng giữa các quốc gia Ả Rập sản xuất dầu, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ngành dầu khí và quan hệ gắn bó giữa các thành viên. Năm 1979, Ai Cập bị đình chỉ tư cách thành viên và được kết nạp lại vào năm 1989.
Ai Cập đã ký Hiệp định về khoản vay và bảo lãnh cho các khoản đầu tư khí đốt tự nhiên với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD); ký 115 Hiệp ước Đầu tư Song phương (BITs) và Hiệp ước Tránh đánh thuế hai lần (Double Taxation Treaties DTT) với 58 quốc gia.
BITs cam kết các biện pháp khác nhau để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cam kết chống lại việc quốc hữu hóa hoặc trưng thu tài sản mà không được bồi thường thích đáng và ngay lập tức. Điều khoản tương tự tiếp tục được đảm bảo trong các thỏa thuận tô nhượng trong đó thường quy định rằng Chính phủ phải bồi thường đầy đủ cho các nhà thầu cho giai đoạn tiến hành trưng dụng. BIT đảm bảo việc chuyển nhượng tự do lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư, bằng đơn vị tiền tệ của khoản đầu tư ban đầu hoặc bằng bất kỳ loại tiền tệ tự do chuyển đổi nào khác, tuân thủ các quy định và luật pháp trong nước, được áp dụng một cách công bằng và hợp lý.
Các Công ước giải quyết tranh chấp
Ai Cập là nước ký kết một số Công ước giải quyết tranh chấp, cụ thể là: (i) Công ước về Công nhận và Thực thi Phán quyết Trọng tài Nước ngoài 1858 (Công ước New York); (ii) Công ước Ả Rập về Thi hành Phán quyết và Phán quyết Trọng tài 1952; (iii) Công ước về công nhận phán quyết của nước ngoài trong các vấn đề dân sự và thương mại năm 1971 (Công ước La Hay); và (iv) Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các Quốc gia và Công dân của các Quốc gia khác 1965 (Công ước ICSID).
Các phán quyết của trọng tài không bị đưa ra xem xét lại trước các tòa án có thẩm quyền ở Ai Cập. Một khi quyết định trọng tài được công nhận thì sẽ được thi hành như phán quyết của tòa án. Một phán quyết trọng tài hợp lệ và không vi phạm bất kỳ tiêu chí nào được đưa ra bởi Luật Trọng tài Ai Cập số 27 năm 1994, việc thực thi sẽ được tiến hành thông qua việc gửi phán quyết liên quan đến tòa án có thẩm quyền. Sau khi Tòa án có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận, phán quyết trọng tài sẽ có hiệu lực thi hành tương tự như phán quyết của tòa án./. (Còn nữa)
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khung-phap-ly-hoat-dong-dau-khi-o-ai-cap-ky-iv-633846.html